Ưu tiên mở cửa kinh tế

- Thứ Hai, 18/10/2021, 06:06 - Chia sẻ
Cuối tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với các cơ quan về việc điều hành phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhằm đưa nền kinh tế tăng tốc độ phục hồi sau dịch. Cuộc họp đến trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý III.2021 ở mức “chạm đáy” và yêu cầu mở cửa đồng bộ cho doanh nghiệp, người dân trở lại hoạt động kinh doanh trên toàn quốc là cấp bách và không thể trì hoãn.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý III của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ giảm mạnh 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%. Chỉ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng nhẹ 1,04%. Một chỉ số quan trọng khác thể hiện sức khỏe của khu vực sản xuất là Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI), có tháng thứ tư liên tiếp ở dưới xa ngưỡng trung lập (50).

Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ 1/3 trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam có việc làm đầy đủ. Khó khăn của vùng kinh tế lớn nhất nước tiếp tục ở mức nghiêm trọng bởi chi phí sản xuất (từ giá xăng dầu đến các nguyên vật liệu sản xuất cơ bản) ở mức cao. Trong khi đó, thiếu hụt lao động do dòng lao động về quê vẫn tiếp tục và khả năng lao động trở lại là rất khó khăn.

Xét về chỉ số thành lập, giải thể doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 giảm 57% về số lượng, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động; tháng 9 giảm 62,2% về số lượng, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Có thể nói, chưa bao giờ cùng một lúc, các con số thống kê ở “đáy” như vậy! Điều này cho thấy, ưu tiên trong ngắn hạn là phải mở đồng bộ nền kinh tế ở tất cả các tỉnh. Việc phong tỏa để kiểm soát dịch chỉ nên tập trung ở quy mô điểm nhỏ, dưới mức cấp xã, chứ không thể tiếp tục lập chốt và ngăn cản lưu thông giao thông, hàng hóa liên tỉnh như hiện nay.

Điều đáng lo ngại là trên thực tế, mặc dù đã có nghị quyết mới về chống dịch; cách thức triển khai giữa các địa phương vẫn “mỗi nơi một phách”. Có tỉnh yêu cầu tiêm 2 mũi, kết quả xét nghiệm âm tính mới cho người dân đi lại; có tỉnh yêu cầu đơn giản hơn. Bộ Y tế tiếp tục chậm trễ trong việc công bố “bản đồ dịch” khiến có địa phương như Hải Phòng phải tạm thời "làm thay" Bộ để kiểm soát lưu thông.

Đây là thời điểm vai trò của Chính phủ, các bộ ở Trung ương là đặc biệt quan trọng để giám sát, để “thổi còi” bất kỳ địa phương nào cản trở việc di chuyển, đi lại của người dân theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi đơn giản, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, không mở cửa lưu thông thì không thể nói đến chuyện phục hồi. Và trách nhiệm, do đó trước hết và trên hết phải thuộc về Chính phủ.

Một điểm thay đổi quan trọng khác về tư duy cũng cần được nhấn mạnh, đó là chuyển từ “tiền kiểm” - tức là lập chốt, rào đường kiểm tra, sang hậu kiểm - tức là kiểm tra mức độ tuân thủ của người dân, cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh dịch vụ theo hướng dẫn phòng chống dịch. Mở cửa đương nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn nhưng cách thực hiện nên là cho phép mở cửa và kiểm tra trên diện rộng về mức độ tuân thủ thay vì cấm đoán.

Nguồn lực của nền kinh tế, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp; nguồn lực ngân sách nhà nước đã suy kiệt nghiêm trọng sau thời gian dài đóng cửa để chống dịch. Vì vậy mở cửa đồng bộ trên toàn quốc là mệnh lệnh không thể không thực hiện, ngay từ thời điểm này.

Cẩm Phô