Đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Ưu tiên phụ nữ hưởng lợi

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 05:20 - Chia sẻ
Phụ nữ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sẽ là đối tượng được ưu tiên hưởng lợi. Đây là một trong những nguyên tắc trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cơ bản nhất trí với nguyên tắc này, tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng và có giải pháp hữu hiệu để phụ nữ thực sự được hưởng lợi từ Chương trình.
Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội
Ảnh: Hồ Long

Khuyến khích phụ nữ tham gia, quyết định kế hoạch giảm nghèo

Kế thừa kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình - PV) đã chú trọng đến nội dung lồng ghép bình đẳng giới, trong đó, nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ hưởng lợi” tiếp tục được áp dụng và thiết kế theo hướng phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đối tượng ưu tiên hưởng lợi.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Mạnh Hùng chỉ rõ, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững tự nó đã thể hiện sự tiến bộ giới, vì tạo cơ hội phát triển bình đẳng hơn giữa mọi người, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền... Vì thế, việc đề xuất thực hiện Chương trình là giải pháp lớn góp phần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và cao hơn là thúc đẩy tiến bộ giới của Việt Nam. 

Theo Đề xuất chủ trương đầu tư, cơ chế lồng ghép giới trong Chương trình bao gồm: Thực hiện lồng ghép giới trong công tác lập kế hoạch của Chương trình, quy định tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lập kế hoạch cấp xã và dưới xã (thôn, bản), tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia và đưa ra quyết định của phụ nữ; hướng dẫn nâng cao năng lực cho phụ nữ trong công tác lập kế hoạch. Thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, thông qua các cơ chế như phát huy sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xác định ưu tiêu khi lập kế hoạch, ưu tiên các công trình có nhiều phụ nữ là đối tượng hưởng lợi; ưu tiên phụ nữ tham gia hoạt động được trả công; thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù, trong đó phụ nữ có cơ hội tham gia vào các nhóm cộng đồng tự thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng. Thực hiện lồng ghép giới trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu tiên sự tham gia của phụ nữ trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn các hoạt động phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và triển khai thực hiện các dự án khi được phê duyệt (bao gồm tập huấn kỹ thuật). 

Cùng với đó là lồng ghép giới trong các hoạt động nâng cao năng lực của Chương trình như: Xây dựng chuyên đề chuyên sâu về giới và phương pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động nâng cao năng lực của Chương trình; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo. Thúc đẩy truyền thông về bình đẳng giới, nhấn mạnh lợi ích từ việc lồng ghép giới vào công tác giảm nghèo bền vững và tăng cường tính đối thoại trong các hoạt động truyền thông: có chuyên mục chuyên sâu về bình đẳng giới để góp phần giảm, hoặc chuyển đổi các định kiến về giới; tăng cường truyền thông về các trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số thành công trong nỗ lực giảm/thoát nghèo, qua đó góp phần nâng cao tính tự lực, tự tin của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chương trình cũng đặt mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới về tiếp cận thị trường lao động trong các chính sách giảm nghèo: Đào tạo kỹ năng, cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường lao động, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rào cản từ việc phân công lao động mang tính giới. Xây dựng, thí điểm và tuyên truyền các sáng kiến, thực hành tốt trong bảo đảm môi trường làm việc thân thiện cho lao động nữ trong chính sách thị trường lao động. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai các dự án giao cho phụ nữ thực hiện về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, bản Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình còn ít (thậm chí rất ít) đề cập trực tiếp đến vấn đề giới, thúc đẩy tiến bộ giới. Trong toàn bộ văn bản, chỉ có 3 lần trực tiếp nói đến hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giảm nghèo cho phụ nữ. 

Cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, cách tiếp cận của Chương trình chưa thể hiện rõ yếu tố lồng ghép giới, chưa thực sự bảo đảm cơ hội công bằng cho mọi người trong quá trình thực hiện. Cụ thể, trong đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, có tất cả 17 chỉ tiêu cụ thể, nhưng chỉ 1 chỉ tiêu đề cập đến phụ nữ; 16/17 chỉ tiêu còn lại đều thể hiện chung cho mọi đối tượng, không chỉ rõ chỉ tiêu cụ thể đối với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo đơn thân, phụ nữ yếu thế...; 4/4 dự án và 11 tiểu dự án chưa đề cập đến vấn đề lồng ghép giới. 

Thực tế cho thấy, lao động nữ vẫn đang chịu nhiều bất lợi trên thị trường lao động. Hiện nay, phụ nữ có tỷ lệ làm việc trong nông nghiệp tự sản tự tiêu cao hơn so với nam giới. Phần lớn (85,9%) phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp trên thực tế tham gia vào các hoạt động nông nghiệp tự sản tự tiêu. Tỷ trọng tương ứng trong việc làm nông nghiệp của nam giới là 59,2%. Việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức không được bảo vệ, và lao động phi chính thức phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, rủi ro nghề nghiệp lớn. 

Mức chênh lệch bất lợi cho phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp xuất phát từ gánh nặng "kép" mà họ phải gánh. Ngoài ra, hạn chế trong tiếp cận các nguồn sinh kế bền vững, ra quyết định và tham gia vào quá trình ra quyết định; định kiến về vai trò giới… cũng khiến phụ nữ, phụ nữ nghèo khó phát huy năng lực và tính tự quyết của mình trong gia đình và cộng đồng, dẫn đến chênh lệch khá lớn về vai trò, vị thế trong xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng những vấn đề về bình đẳng giới trong đời sống kinh tế - xã hội. Phụ nữ phải đối mặt với những thách thức lớn như nghèo đói và bất an kinh tế, mất việc làm, giảm thu nhập, mất an ninh về lương thực và di cư. Đại dịch đã làm gián đoạn việc làm trong nhiều thành phần kinh tế có đông lao động nữ, trong khu vực phi chính thức, làm nông nghiệp, bán hàng rong... Phụ nữ cũng hạn chế trong cách tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội, trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ tài chính của Nhà nước.

Trước thực tế này, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị, cần cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới trong suốt quá trình thực hiện Chương trình, lồng ghép giới vào tất cả các nội dung chỉ tiêu và các dự án thành phần. Theo đó, cần rà soát, bổ sung chỉ tiêu tham gia của phụ nữ, phụ nữ nghèo trong các dự án, tiểu dự án. Bởi nếu không được xác định bằng một chỉ tiêu nhất định thì chắc chắn sự tham gia, thụ hưởng của phụ nữ, phụ nữ nghèo sẽ rất bị hạn chế so với nam giới. Đồng thời, cần có chính sách và hướng dẫn chi tiết trong chỉ đạo các cấp, ngành phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện lồng ghép giới trong mọi hoạt động của Chương trình. 

Ủng hộ các đề xuất trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần bổ sung các nội dung về bình đẳng giới và phụ nữ, nhất là các tiểu dự án về đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp; truyền thông và giảm nghèo thông tin; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện giảm nghèo; giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nghề cho đối tượng chính sách; hỗ trợ đào tạo cho người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài... và ngay cả dự án về giám sát, đánh giá Chương trình.

Hồ Long