Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể

- Thứ Năm, 24/06/2021, 05:52 - Chia sẻ
Chiều 23.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể theo hình thực trực tuyến thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Cùng dự họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 “đã đạt nhiều thành tựu toàn diện, to lớn, mang dấu ấn lịch sử”. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực. Thu nhập của nông dân tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ, đạt 43 triệu đồng/người/năm. Chương trình cũng đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu được giao. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% xã đạt nông thôn mới…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển nông thôn chưa thực sự bền vững, năng suất lao động, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm. Đời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, giảm nghèo chưa bền vững…

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

“Với tinh thần xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội tiếp tục đầu tư thực hiện Chương trình trong 5 năm tới. Tại Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thông qua Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Theo Tờ trình của Chính phủ, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, 5 năm tới cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ 20% số xã chưa đạt chuẩn. Mục tiêu là đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 40% đạt chuẩn nâng cao, 10% đạt chuẩn kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20% số huyện đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán ngân sách cần bố trí 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước dự kiến vốn ngân sách trung ương mới cân đối được khoảng 39.632 tỷ đồng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Quang Khánh

Các ý kiến tại cuộc họp hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo nhưng cho rằng Tờ trình của Chính phủ cần đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn nữa kết quả của Chương trình trong 10 năm qua để thuyết phục các đại biểu bấm nút thông qua. Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát để tránh trùng lặp với các chương trình khác về phạm vi, đối tượng thụ hưởng và mục tiêu.

Các đại biểu cũng đặc biệt băn khoăn về nguồn lực thực hiện Chương trình. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu ngân sách không tăng đột biến, áp lực chi trong giai đoạn tới rất lớn (chi an sinh xã hội, chi trả nợ công…), nhiều ý kiến cho rằng phương án ngân sách bố trí hơn 39,6 nghìn tỷ đồng khả thi hơn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nên thành lập 1 ban chỉ đạo chung điều phối 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) để bảo đảm hiệu quả, thống nhất thay vì thành lập 3 ban chỉ đạo cho 3 chương trình.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm, dù có bao nhiêu tiền thì điều quan trọng là phải đầu tư hiệu quả. Cốt lõi của nông thôn mới là năng lực của nông dân và giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung vào vấn đề này. 

H.Lan