Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 06:05 - Chia sẻ

Chiều 28.1 tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ, nhiệm kỳ 2016 - 2021, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông thúc đẩy các động lực tăng trưởng; vừa nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng ghi nhận các giải pháp cải cách mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong suốt nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, sát sao của Đảng; sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội; đóng góp to lớn của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật, được ban bè quốc tế đánh giá cao. Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng năm 2020, dù gặp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ song Chính phủ cũng đã hoàn thành 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”…

Toàn cảnh phiên họp mở rộng  

Góp ý vào dự thảo Báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đánh giá cao kết quả Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề Chính phủ cần tập trung khắc phục, tháo gỡ kịp thời. Đơn cử như: Việc ban hành một số văn bản quy định chi tiết liên quan đến một số luật còn chậm; tình trạng nợ văn bản hướng dẫn còn diễn ra thường xuyên. Dẫn chứng thực tế Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1.7.2020 song đến nay, vẫn còn nợ 13 văn bản hướng dẫn chi tiết, Phó Chủ nhiệm Trần Thị Dung đề nghị: Trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này.

Ở góc nhìn khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào phục vụ rà soát hệ thống văn bản pháp luật cũng như công tác điều hành, xây dựng văn bản pháp luật còn chưa thực sự phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều luật được ban hành đã lâu, xuất hiện nhiều bất cập nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa cho phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH cũng như các chuyên gia trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị: Trong báo cáo nhiệm kỳ, Chính phủ cần nêu rõ hơn dấu ấn về xây dựng thể chế; xây dựng đột phá chiến lược; công tác kiểm soát dịch bệnh; làm nổi bật nguyên nhân của những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong công tác thi hành pháp luật... Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ sau. Trong quá trình hoàn thiện, cần bổ sung số liệu vào phụ lục từng phần, nhất là các số liệu liên quan đến kinh tế - xã hội. Ngoài ra, rà soát nội dung để tránh trùng lặp và cập nhật thêm tiêu chí đánh giá từ các tổ chức quốc tế, dư luận xã hội nhằm tăng tính thuyết phục. 

Khánh Duy