Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với 2 Đại học Quốc gia

- Thứ Ba, 07/12/2021, 22:25 - Chia sẻ
Chiều 7.12, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, buổi làm việc diễn ra trực tiếp tại Nhà điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội, kết nối trực tuyến với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17.11.2013 của Chính phủ về Đại học quốc gia và Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26.3.2014 của Thủ tướng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên, Đại học Quốc gia được quy định là cơ sở giáo dục công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) được đánh giá đã có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển giáo dục đại học, trong đó đáng chú ý là mở rộng phạm vi tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy vậy, Luật 34 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019 song đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục thành viên. Việc chậm ban hành 2 văn bản quan trọng này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học tại 2 Đại học Quốc gia.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, cần nghiên cứu để có các quy định phù hợp, phát huy vai trò, sứ mệnh của Đại học Quốc gia, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ

Luật 34 trao quyền quản trị trường đại học cho Hội đồng trường và trao quyền tự chủ cao trong quản trị và tổ chức bộ máy, nhưng có sự chưa đồng bộ của hệ thống quy định hiện hành. Nội hàm, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng Đại học Quốc gia với Hội đồng trường, với Đảng ủy và Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu cũng chưa được làm rõ. Đại học Quốc gia được quyền “chủ động cao” trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các hoạt động này hiện nay vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Bộ GD - ĐT và các quy định này áp dụng cho cả các trường đại học mới thành lập, các trường đại học có quy mô đào tạo nhỏ…

Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân kiến nghị có cơ chế đặc thù cho Đại học Quốc gia

Để phát huy vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, 2 Đại học Quốc gia kiến nghị có cơ chế đặc thù cho Đại học Quốc gia. Theo đó, Đại học Quốc gia được trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Đại học Quốc gia và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Đại học Quốc gia theo quy định của pháp luật. Thực hiện tinh thần tự chủ cao về tài chính, Đại học Quốc gia được quyền quyết định phân bổ, điều chỉnh, chuyển kinh phí sử dụng và ban hành văn bản, chỉ báo cáo, không cần xin ý kiến Bộ Tài chính...

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn khảo sát đánh giá, 2 Đại học Quốc gia thời gian qua đã có nhiều nỗ lực phát huy lợi thế, tiềm năng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, dần khẳng định vai trò dẫn dắt hệ thống, tạo được vị thế, uy tín trong và ngoài nước, góp phần cải thiện và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ giáo dục đại học thế giới. Có được kết quả tích cực nêu trên là do 2 Đại học Quốc gia được thực hiện cơ chế tự chủ cao trong tổ chức, quản trị hoạt động của mình.

Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của hai Đại học Quốc gia từ thực tiễn tổ chức và hoạt động, đặc biệt là những vướng mắc về pháp lý, về cơ chế, sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, từ đó có đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, "nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học một cách đầy đủ và thực chất, cũng như để hai Đại học Quốc gia thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Nhật Linh