Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Kiểm toán Nhà nước

- Thứ Hai, 23/08/2021, 14:38 - Chia sẻ
Sáng 23.8, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện pháp luật về ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Liên quan đến các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của các đơn vị: Ủy ban Dân tộc; 4 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ngoại thương, Bách khoa, Cần Thơ và Kinh tế TP Hồ Chí Minh); Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 6 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2020 của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Việt Nam và Kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015 - 2020 và công tác quản lý đầu tư các dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết quả kiểm toán cho thấy, về công tác dự toán, tại các đơn vị còn tình trạng lập và giao dự toán hoạt động thường xuyên có nội dung chưa đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và các văn bản hướng dẫn, như giao nhiệm vụ không có thuyết minh chi tiết; giao dự toán chậm so với quy định (Điều 50, Luật NSNN) và phải điều chỉnh nhiều lần trong năm (thậm chí giao dự toán lần cuối vào thời điểm 31.12); lập, giao kế hoạch vốn đầu tư công chưa sát với thực tế dẫn đến một số dự án không giải ngân hết phải kéo dài sang năm sau hoặc hủy bỏ do không thực hiện được; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn thấp… 

Có đơn vị thì phê duyệt và giao dự toán một số dự án sự nghiệp môi trường chưa được sự thống nhất hoặc chấp thuận triển khai của các Bộ liên quan nên không thực hiện được, làm hạn chế hiệu quả quản lý, sử dụng, thậm chí gây lãng phí NSNN. Cũng có đơn vị phân bổ kinh phí không thường xuyên cho các đơn vị quản lý nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, phân bổ vượt định mức chi quản lý hành chính tính theo biên chế chưa đúng quy định tại Điều 1 Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016; phân bổ kinh phí vượt mức ổn định cho các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên nhưng chưa có thuyết minh nguyên nhân tăng/giảm.

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về NSNN năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách

Về chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, đối với chi xây dựng cơ bản, chất lượng công tác lập dự án chưa cao nên một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần, tiến độ thực hiện chậm; có dự án trình thẩm định khi chưa đủ căn cứ pháp lý; công tác thiết kế tại một số dự án chưa phù hợp dẫn tới phải thay đổi nhiều trong quá trình thi công. Công tác lập, thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư chậm so với quy định, tồn đọng nhiều dự án chậm thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (đã nộp hồ sơ quyết toán); một số dự án, công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được phê duyệt quyết toán (chậm trên 24 tháng)…

Đối với hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị hành chính, sự nghiệp, có đơn vị chưa xây dựng quy trình quản lý, sử dụng nguồn tài trợ dẫn tới chưa bảo đảm công khai, minh bạch tiềm ẩn rủi ro trong công tác quản lý; phản ánh chưa chính xác doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh dịch vụ trong kỳ dẫn đến chưa xác định chính xác các khoản nghĩa vụ với NSNN…

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số kiến nghị xử lý tài chính cũng như sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đối với các đơn vị.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin bổ ích về tình hình sử dụng NSNN tại các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực Ủy ban phụ trách

Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cho đây là nguồn thông tin hữu ích để Thường trực Ủy ban làm việc với các bộ, ngành về việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Các thành viên Thường trực Ủy ban đặc biệt quan tâm đến kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả sử dụng NSNN, vì nhiều tồn tại được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn lặp lại; việc quản lý tài sản công trong các đơn vị công lập thực hiện tự chủ…

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị thời gian tới Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch kiểm toán một số chương trình, đề án thuộc các lĩnh vực Ủy ban theo dõi để thấy được hiệu quả so với mục tiêu chương trình, đề án đặt ra.

Nhật Linh