Vaccine cho sản xuất !

- Thứ Năm, 26/08/2021, 12:45 - Chia sẻ
Theo nhận định của Cục Việc làm, do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay đã khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc - "tín hiệu" cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch...và cần nhiều hơn nữa biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời của Nhà nước, của chính doanh nghiệp và sự đồng hành của người lao động .

Có thể thấy những khó khăn trong 7 tháng qua, thị trường lao động nước ta bị tác động theo chiều hướng tiêu cực cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid -19, lực lượng lao động bị sụt giảm nghiêm trọng, không tăng theo đà tăng dân số. Cụ thể, trong quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Dịch bệnh cũng đã tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực nhất; tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng. Lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh những ngành đã bị ảnh hưởng mạnh từ năm 2020 đến nay, từ tháng 7.2021 do dịch bệnh lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất và các thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đó là 70% doanh nghiệp chế biến thủy hải sản; 35% doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất... dẫn đến suy giảm thị trường lao động phía Nam vốn là thị trường sôi động nhất cả nước - Cục Việc làm nhận định.

Một thực tế nữa là hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, năng suất hoạt động nhiều nhà máy giảm mạnh, chỉ duy trì được 50% trở xuống do thiếu hụt nhân công. Cụ thể, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam, hiện chỉ có 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân khoảng 30.700 công nhân, trong khi thời điểm trước thực hiện giãn cách xã hội là 119.300 công nhân.

Trước tình trạng làn dóng dịch thứ 4 bùng phát tiếp tục lây lan, nguy cơ  "đứt gãy" sản xuất trên một số lĩnh vực trọng yếu, thì đại diện một số hiệp hội, ngành hàng cho rằng giải pháp căn cơ, cấp bách nhất là huy động được nguồn vaccine và tiêm vaccine cho lực lượng trực tiếp sản xuất. Hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực hết sức tăng cường nguồn vaccine sớm nhất, nhiều nhất; người lao động cùng chia sẻ khó khăn trước mắt và yên tâm "bám trụ" cùng doanh nghiệp để có thề trở lại sản xuất sớm. Bên cạnh đó,  cùng với Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần tính toán đến những giải pháp lâu dài, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người lao động khi tạm dừng sản xuất về nhiều mặt của cuộc sống như động viên đời sống tinh thần cũng như hỗ trợ cùng chính quyền cơ sở lo nơi ở hay bữa ăn  hàng ngày. Đây cũng chính là một liều vaccine cho sản xuất bền vững.

Ngoài ra, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp bổ sung trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp như khoanh nợ, miễn, giảm lãi suất, miễn giảm tiền thuê đất kinh doanh, các gói tín dụng phù hợp để trả lương cho công nhân, duy trì hoạt động. Về lâu dài, cần có các giải pháp vĩ mô với tầm nhìn, quan điểm, chiến lược hài hòa, hợp lý, linh hoạt giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, khiến doanh nghiệp khó phục hồi năng lực sản xuất khi hết thời gian giãn cách và khi dịch Covid-19 thuyên giảm.

 

Khương Ninh