Vaccine Việt - nhanh nhưng cần thận trọng!

- Thứ Năm, 24/06/2021, 08:46 - Chia sẻ
Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen vừa có văn bản gửi Thủ tướng “mong nhận được sự ủng hộ” để vaccine Nanocovax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, song đại diện Bộ Y tế khẳng định chưa đủ cơ sở để cấp phép ở thời điểm này.

Cụ thể, trong văn bản gửi Thủ tướng, Nonagen cho biết vaccine Nanocovax do công ty nghiên cứu đã kết thúc 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đang triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người. Dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nanocovax đạt 99,4% - so với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn nhưng giá bán lại thấp hơn, dự kiến chỉ 120.000 đồng/liều. Công ty cũng thông tin rằng họ đang hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều và đội ngũ xe lạnh (2 - 8°C) vận hành đạt chuẩn quốc tế để có thể cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12.2021 và 100 triệu liều vào năm 2022.

Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế khẳng định thời điểm này chưa có đủ cơ sở khoa học để cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax. Theo lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, dù Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, có tính sinh miễn dịch rất tốt nhưng cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, chưa thể hiện được nhiều khía cạnh bảo vệ của vaccine. Kế hoạch cỡ mẫu giai đoạn 3 thử nghiệm trên 13.000 người nhưng hiện mới tiêm xong mũi 1 cho 1.000 người. Trong khi đó, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn và giai đoạn 3 là quan trọng nhất. Chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không.

Nhìn vào thông tin và ý kiến 2 bên đưa ra có thể thấy sự thận trọng của Bộ Y tế - cơ quan có thẩm quyền cấp phép khẩn cấp cho vaccine - trong trường hợp này hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Hơn ai hết, Bộ Y tế mong muốn doanh nghiệp trong nước sản xuất bằng được vaccine để chủ động lo cho dân như yêu cầu của Thủ tướng. Về mặt quan điểm, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bộ đã xác định nghiên cứu, sản xuất vaccine tuy rất khó khăn và đầy rủi ro nhưng là con đường tất yếu phải đi nếu muốn chủ động nguồn cung. Nhưng, sức khỏe, tính mạng con người là trên hết, vì thế dù sốt ruột tới đâu chăng nữa, các bước thử nghiệm và đánh giá vaccine vẫn phải được tuân thủ nghiêm túc. Người dân rất, rất cần vaccine nhưng đó phải là vaccine an toàn!

Ở khía cạnh khác, đề xuất của Nanogen gợi ra câu hỏi: Chính phủ có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp để sớm hiện thực hóa mục tiêu “sản xuất bằng được vaccine Covid-19” mà Chính phủ đã đặt ra?

Phát triển vaccine phòng Covid-19 là một sự đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp. Quá trình phát triển vaccine đòi hỏi nguồn lực lớn, cả trong giai đoạn nghiên cứu lẫn giai đoạn sản xuất. Trong tiến trình này, đầu tư tài chính từ Chính phủ là rất cần thiết. Mỹ hiện dẫn đầu cuộc đua vaccine Covid-19 chính là nhờ những đầu tư tài chính quyết đoán lên đến hàng tỷ đô la của chính quyền ông Donald Trump cho Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson… Những tập đoàn hàng đầu, nguồn lực dồi dào như vậy mà vẫn cần hỗ trợ thì các doanh nghiệp nhỏ hơn ở Việt Nam đương nhiên cần có trợ lực từ Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như Nanogen để họ tăng tốc thử nghiệm và đầu tư như cách nước Mỹ đã làm. Các quỹ khoa học công nghệ quốc gia cần ưu tiên xem xét và hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng.

Về phía Bộ Y tế, một mặt tuân thủ quy trình thử nghiệm, đánh giá vaccine nhưng Bộ có thể làm việc sát sao với doanh nghiệp trong tiến trình thực hiện thủ tục hành chính, ưu tiên thực hiện các bước nhanh nhất khi nhận được hồ sơ, giấy tờ từ doanh nghiệp. Tính minh bạch trong tiến trình này cũng cần được bảo đảm nhằm tạo niềm tin rằng Bộ không gây khó dễ cho doanh nghiệp đồng thời cũng là tạo niềm tin cho người dân về chất lượng của vaccine.

Có được vaccine ngừa Covid-19 “made in Vietnam” an toàn và hiệu quả là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các bên liên quan cùng hành động với một mục tiêu chung: Tất cả vì quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân, của cộng đồng.

Hà Lan