Vải thiều và chi phí logistics

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:05 - Chia sẻ
Đang mùa thu hoạch chính vụ, vải thiều ở các tỉnh phía Bắc chỉ 15.000 - 31.000 đồng/kg nhưng tại các chợ TP. Hồ Chí Minh giá loại trái cây này vẫn ở mức 45.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với giá tại vườn các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân được một số tiểu thương giải thích do “khó thuê xe container vì dịch”, “cước vận chuyển cao”, “vải đi máy bay” tốn nhiều chi phí…

Đây cũng là thực tế được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại buổi làm việc mới đây của Bộ NN-PTNT với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho biết: “Vải thiều từ Bắc Giang vận chuyển vào miền Nam hao hụt 40% vì không có xe chuyên dụng, chi phí rất cao”; “Mỗi đồng doanh thu vải thiều cõng 40% chi phí logistics”. Và thực tế, mùa vụ vải thiều năm 2019 của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có doanh thu 5.000 tỷ thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm đến 2.000 tỷ.

Chính vì lý do trên, thị trường tiêu thụ vải thiều trong nước những năm trước vẫn chủ yếu là ở các tỉnh lân cận “vựa vải” như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Trong khi người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang có nhu cầu rất cao đối với quả vải thiều thì giá lại cao. Chi phí vận chuyển nội địa đang cản đường tiêu thụ nông sản trong khi các địa phương đều nỗ lực bảo đảm lưu thông hàng hóa, phân phối cho các địa bàn, các vùng khác nhau.

Ngược lại, chi phí vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội cũng đẩy giá nhiều loại nông sản tăng vọt lên cao bởi chi phí logistics. Nghịch lý là 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất 80 triệu đồng. Tương tự, một container tôm từ TP. Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.

Trong bối cảnh chi phí logistics của Việt Nam cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, làm tăng giá nông sản, giảm khả năng cạnh tranh thì việc các địa phương chủ động mở rộng tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử một cách bài bản và có kế hoạch được xem là điểm sáng về sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự chung tay của các bên cùng với sàn thương mại điện tử trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản mà trước mắt là vải thiều, sẽ là hướng đi bền vững trong tương lai không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong 3 tháng tới đây, ngoài vải cũng sẽ có nhiều loại cây ăn quả chủ lực vào mùa thu hoạch như nhãn, xoài, dứa, bưởi, chuối… Còn ở miền Nam, hàng chục loại cây ăn quả chủ lực khác cũng đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch là: thanh long, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, na, mít, bơ, chanh leo... Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần tìm đầu ra. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để phát triển tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

Nếu giải cứu là biện pháp tình thế, dựa vào tinh thần hỗ trợ của người tiêu dùng thì việc xác định và chuẩn bị các kênh tiêu thụ sẽ là cách để không chỉ quả vải mà còn nhiều loại nông sản Việt đến tay người tiêu dùng hiệu quả nhất. Thương mại điện tử sẽ tạo vị thế mới cho người nông dân khi sản phẩm được nhiều khách hàng biết tới hơn, tạo liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, giảm bớt khâu phân phối trung gian, minh bạch thông tin hơn từ người bán đến người mua.

Chi An