Sổ tay

Văn bản nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:19 - Chia sẻ

Kết quả rà soát và hoàn thiện pháp luật về kiểm tra chuyên ngành trong kinh doanh cho thấy, hệ thống văn bản nhiều, phạm vi quản lý, điều chỉnh rộng với khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc sự điều chỉnh bởi các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Chính vì lẽ đó, không thể tránh khỏi tình trạng một mặt hàng có hai loại giấy phép; hoặc một mặt hàng nhưng chịu sự quản lý của hai, ba cơ quan… Cụ thể, với 154 văn bản quy phạm pháp luật quy định các vấn đề về kiểm tra liên ngành còn có hiệu lực (bao gồm: 20 luật, 46 nghị định, 5 quyết định và 83 thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ) đã được Tổ công tác  của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiến hành rà soát. Kết quả ra soát cho thấy, nhiều vấn đề cần được sớm giải quyết, từ chưa theo kịp với xu thế hội nhập và tự do hóa thương mại quốc tế; phương pháp quản lý còn thụ động; kéo dài tình trạng sử dụng các biện pháp hành chính; đến chưa ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa cần kiểm tra…

Đặc biệt, nhiều vi phạm trong quản lý chuyên ngành còn xảy ra, đơn cử tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 15.2.2020 có 284 doanh nghiệp vi phạm chính sách quản lý hải quan đã được cơ quan này mang về bảo quản và chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; trong đó có 256 doanh nghiệp đã quá hạn 30 ngày mà doanh nghiệp chưa nộp kết quả kiểm tra.

Trong khi đó, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất, có quy định chưa phù hợp, có quy định quá mức cần thiết, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn chuyên ngành dẫn đến việc triển khai chưa thống nhất, đồng bộ. Quy định các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đều đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tuy nhiên quy định về miễn, giảm, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ phức tạp sang đơn giản chưa được áp dụng đầy đủ, thực chất; nhất là quy định chưa thống nhất giữa các lĩnh vực kiểm tra, phương thức kiểm tra và các hoàng hoá phải kiểm tra của cùng một lĩnh vực kiểm tra.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng chưa áp dụng rộng rãi việc công nhận lẫn nhau, áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong kiểm tra chuyên ngành. Đơn cử, Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT quy định mặt hàng bình chữa cháy thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa do Bộ Giao thông Vận tải quản lý; nhưng Thông tư số 08/2019/TT-BCA thì mặt hàng này cũng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chất lượng của Bộ Công an. Hay, đối với mặt hàng tinh bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật vừa phải thực hiện thủ tục kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; vừa phải thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Công thương…

Từ kết quả trên, Tổ công tác đề xuất, bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát văn bản để tránh sự chồng chéo, nhất là đối với những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Không chỉ chú trọng công tác rà soát văn bản trong quá trình xây dựng pháp luật; mà các đơn vị cần phải tách bạch, thống nhất trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực. Đây lại là một câu chuyện dài. Trong bối cảnh chưa tìm ra được biện pháp căn cơ, thấu đáo cho vấn đề này, thì giải pháp trước mắt có lẽ là các bộ, ngành liên quan cần việc sớm ban hành đầy đủ Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp, tập trung trọng điểm những mặt hàng cần kiểm tra tại cửa khẩu...

Phạm Hải