Xem - Nghe - Đọc

Văn chương gốc Việt trong lòng nước Mỹ

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 07:04 - Chia sẻ
"Bắt đầu bằng sự thật và kết thúc bằng nghệ thuật” - câu trả lời thật hay và đó cũng là điều mà tôi thấy được khi đọc “Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian”.

Hơn mười năm trước, tôi được một bạn người Việt ở Mỹ gửi tặng cuốn “The Boat” của Nam Lê và một số tập truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn Mỹ gốc Việt khác. Thời điểm đó, tập truyện ngắn này đang là một hiện tượng của văn chương phương Tây, được xuất bản bởi nhà sách danh tiếng của Mỹ - Knopf, được các tờ báo hàng đầu ở Mỹ đánh giá, đoạt nhiều giải thưởng văn chương danh giá, trong đó có giải Dyan Thomas của Anh và được dịch ra 14 ngôn ngữ khác nhau. 

Đọc tập truyện ngắn, tôi cảm giác như đang đọc của một nhà văn quốc tế tên tuổi nào đó. 7 truyện ngắn, với bối cảnh trải rộng ở nhiều nơi trên thế giới, với những thân phận đang vật lộn trong một thế giới bị phân mảnh hay những vết thương quá khứ chưa được chữa lành. “Quá khứ rộng lớn hơn sự oán than, hiểm nguy hơn ký ức”, hay: "Tôi chợt nhận ra rằng bề mặt một dòng sông phải mất nhiều giờ, đôi khi nhiều ngày để đóng băng hoàn toàn - giữ dưới lớp da của nó một thế giới pha lê  hoàn hảo - và thế giới đó có thể vỡ tan bởi một viên đá nhỏ rơi xuống như một đơn âm”. Những câu văn đầy suy tưởng và giàu hình ảnh như thế cứ vang lên trong cả tập truyện, khiến ta phải dừng lại để ngẫm ngợi. 

Truyện ngắn hay nhất trong tập này, cũng là truyện đầu tiên, có cái nhan đề rất dài: “Tình yêu và danh tự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hy sinh” (Love and honor and pity and pride and compassion and sacrifice) vừa có hơi hướng tự truyện, lại vừa giống như một diễn ngôn về sáng tác văn chương của tác giả. Truyện ngắn này kể về cuộc hội ngộ của người cha Việt Nam từng là cựu binh, hiện định cư ở Úc và cậu con trai là nhà văn đang dự một trại sáng tác trên đất Mỹ. Cuộc hội ngộ của hai cha con sau ba năm cho ta thấy cái khoảng cách thế hệ khó có thể thấu hiểu, cảm thông và sự bế tắc ở ngay trong chính họ. Người cha vẫn mắc kẹt với cái quá khứ chiến tranh đầy đau thương và lòng vẫn nặng sân hận. Cậu con trai là nhà văn mắc kẹt với con đường sáng tác văn chương của mình, rằng, các nhà văn gốc Á chỉ viết được những thứ “kỳ lạ” về xứ họ chứ không thể đi xa hơn, hoặc những lời giễu cợt về “văn chương thiểu sổ”, “văn chương thuyền nhân” mà anh ta thực sự muốn thoát ra. Cuộc gặp gỡ đó cuối cùng lại là cơ hội để anh ta thấu tỏ hơn về những phức cảm trong mối quan hệ phụ tử, về ý thức hệ, về những vết thương chiến tranh, về căn tính dân tộc và cuối cùng là bản ngã của mỗi con người…

Nam Lê sinh năm 1978 và trở thành một hiện tượng văn chương với The Boat vào năm 2009, lúc anh 31 tuổi. 

Thật thú vị là đúng 10 năm sau, Ocean Vương (sinh năm 1988) cũng trở thành hiện tượng với cuốn tiểu thuyết "On Earth We’re Briefly Gorgeous" vào năm 2019, cũng lúc anh vừa tròn 31 tuổi. 

Gần 3 năm trước, lúc tôi sang Mỹ, tôi đã thấy Ocean Vương và cuốn tiểu thuyết này đang được bàn tán khắp nơi, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, trên các diễn đàn văn chương, trên báo chí Mỹ và trong các show truyền hình Mỹ. Một tháng sau đó, trong một lần tình cờ bước vào một nhà sách ở Đức, tôi bắt gặp bản tiếng Anh của cuốn sách này cũng được đặt ở vị trí trang trọng ở đó. 

Chỉ trong vòng 10 năm, từ Nam Lê đến Việt Thanh Nguyễn đến Ocean Vương, ba nhà văn gốc Việt trở thành những hiện tượng văn chương của thế giới, đoạt các giải thưởng văn chương danh giá và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Hai cuốn tiểu thuyết của Việt Thanh Nguyễn và Ocean Vương đang được chuyển thể thành điện ảnh. Cả ba nhà văn này đều là con của những gia đình thuyền nhân và từng phải sống trong các trại tị nạn. Có lẽ vì thế mà căn tính dân tộc và lịch sử, văn hóa, con người của Việt Nam luôn xuất hiện, thậm chí là đậm đặc trong sáng tác của họ. Nhưng chúng đã được soi chiếu dưới một góc nhìn hoàn toàn khác. 

 Có thể coi “Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian” (bản dịch của Khánh Nguyên do Nhã Nam mới xuất bản gần đây) là một cuốn tiểu thuyết về việc tìm kiếm danh tính, bản dạng của tác giả thông qua lịch sử của gia đình mình. Nhưng đó là những đề tài mà vô số nhà văn gốc Á và gốc Việt khác đã viết rồi. Điều khiến cho cuốn tiểu thuyết này trở thành hiện tượng là nhờ sức mạnh ngôn ngữ của Ocean Vương, điều mà ngay cả nhà phê bình của Mỹ còn ca ngợi là người “tái định nghĩa lại ngôn ngữ tiếng Anh”. 

"Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian” là một cuốn tiểu thuyết tự sự phi tuyến tính, đậm chất thơ và giàu nhạc điệu, hoặc đôi lúc giống như một cuốn tiểu luận về ngôn từ. 

Có lần, tôi đọc được một bài phê bình nào đó nói rằng, “nếu nhạc sĩ là những người phối khí, phối âm thì nhà văn là những người phối từ”. Xét ở nghĩa này, Ocean Vương hẳn là một người “phối từ” rất giỏi và trong cuốn tiểu thuyết của mình, và anh không ngừng hoài nghi và chất vấn về ngôn từ. 

Như những trích dẫn dưới đây từ cuốn tiểu thuyết:

"Con viết vì người ta dạy rằng đừng bao giờ bắt đầu một câu (sentence) bằng "vì". Nhưng con đâu định viết ra một bản án (sentence) - con đang cố thoát ra. Bởi vì tự do, như con được dạy, chẳng là gì khác ngoài khoảng cách giữa thợ săn và con mồi...".

"Khi mới bắt đầu viết, con ghét mình lúc nào cũng không chắc chắn, về những hình ảnh, cụm từ, ý tưởng, thậm chí cây viết hay cuốn sổ con dùng. Mọi thứ con viết đều bắt đầu bằng "có lẽ" hay "biết đâu", và kết thúc với "tôi nghĩ", hay "tôi cho là vậy". Nhưng sự ngờ vực của con nằm khắp nơi mẹ à. Ngay cả khi con biết một điều gì đó chắc như đinh đóng cột thì con vẫn lo là điều con biết sẽ tan đi, sẽ không còn thực mãi, bất chấp con đã viết nó ra. Con lại đang đập nhỏ chúng mình ra để con có thể mang mình đến một nơi khác – nơi nào, cụ thể, con không chắc. Cũng như con không biết phải gọi mẹ thế nào – một người phụ nữ da trắng, Á Đông, mồ côi, Mỹ, một người mẹ?”

Điều đặc biệt là cuốn tiểu thuyết được viết dưới hình thức những lá thư cho người mẹ mù chữ của tác giả. Ocean Vương thừa nhận rằng anh học được rất nhiều về cách biểu đạt ngôn ngữ và sức mạnh của ngôn ngữ từ mẹ của anh. Trong show “Late Night with Seth Meyers”, Ocean Vương đã trả lời người host nổi tiếng của show này rằng: “Là một nhà văn, tôi luôn nghĩ đến ngôn ngữ và bị ám ảnh bởi ngôn ngữ. Và bà giúp tôi nghĩ rằng, dù bạn có làm gì trên thế giới, ngôn từ của bạn cũng sẽ tác động đến thế giới. Bà đã nhìn thấy điều đó và dạy tôi rằng, hãy nhìn vào nơi tận cùng mà từ ngữ của tôi có thể tác động vào”.

Cũng trong show này, tôi cực kỳ tâm đắc một câu trả lời của Ocean Vương dành cho Stephen Meyers. Khi ông này hỏi rằng, trong cuốn tiểu thuyết của Vương, có bao nhiêu yếu tố được lấy từ cuộc sống thật của anh? Và khi nào thì anh chọn những yếu tố hư cấu thay vì tự truyện? Ocean đã trả lời thật tự tin rằng: “Tôi muốn bắt đầu bằng sự thật và kết thúc bằng nghệ thuật. Đó là mục tiêu sáng tác của tôi. Tôi có thể đưa nhân vật lên sao Hỏa và biến câu chuyện thành khoa học viễn tưởng. Tôi cũng có thể đặt họ trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam thời xưa hoặc châu Âu thời Trung cổ. Nhưng tôi muốn đặt họ ở Hartford, Connecticut, như một nhân vật người Mỹ gốc Á. Những con người này thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Họ xứng đáng được viết lên trong văn chương, cực kỳ xứng đáng - điều mà những con người này không mấy khi có cơ hội để thực hiện. Và đây chính là cơ hội của tôi để làm điều này, để đóng góp cho văn chương Mỹ”. 

"Bắt đầu bằng sự thật và kết thúc bằng nghệ thuật” - câu trả lời thật hay và đó cũng là điều mà tôi thấy được khi đọc “Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian”. Để viết về sự thật, Ocean Vương sử dụng một lối viết trung thực đến tận đáy và không ngần ngại xé toang con người mình. Có lẽ hai phẩm chất lớn nhất để làm nên sự thành công của Ocean Vương là sự hoài nghi về mọi sự và trung thực đến tận cùng với bản thân mình, kể cả những chuyện đáng xấu hổ nhất.

Có lẽ vì thế mà Việt Thanh Nguyễn khi đánh giá về cuốn tiểu thuyết của Ocean Vương trên tờ Time, đã viết rằng: “Vương khước từ sự xấu hổ. Cuốn tiểu thuyết đáng nhớ, thật ra là một cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp, một cuốn sách tìm cách ảnh hưởng sâu sắc đến độc giả như cách nhân vật Little Dog bị ảnh hưởng...”.

**

*

Còn rất nhiều điều ở cuốn tiểu thuyết này mà tôi không diễn đạt hết được. Nhưng chắc chắn, đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhất về sự đọc của tôi trong năm vừa qua. Và tôi chờ đợi phiên bản điện ảnh của nó, do hãng phim nghệ thuật “quyền lực” nhất ở Mỹ bây giờ là A24 sản xuất.

Lê Quân