Xem - Nghe - Đọc

Văn chương và ân huệ

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:48 - Chia sẻ
Ông bảo những người mời ông tới, rằng, ông muốn “xin một ân huệ”. Ân huệ gì? Ông muốn đi thăm kim tự tháp của người Teotihuacan hay thử một ly Michelada? Không, ông chỉ muốn gặp nhà văn Juan Rulfo...

1. "Thật tiếc, Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình đã không thể ở bên nhau mãi mãi".

Thế nào là một câu văn hay? Tôi nghĩ, nó chính là như thế đấy: Tức là, khi bị tách khỏi cuốn sách và ngữ cảnh của nó, khi bạn chẳng biết Kath là ai và ai đang nói với Kath và người đang nói với Kath là ai, mà bạn cũng chẳng hiểu "mô tê" gì chuyện của họ, sao họ yêu nhau, sao họ không thể ở bên nhau mãi mãi, chuyện gì đang xảy ra với họ, nhưng giả sử tình cờ lướt qua nó, bạn vẫn phải khựng lại, phải tưởng tượng ra đủ thứ, và xúc động tới lặng người trước sự giản dị tuyệt đối nhưng hoàn hảo tuyệt đối của nó.

 Thật ra đây là một câu trong "Never let me go" (Mãi đừng xa tôi) của chủ nhân Nobel văn chương 2017, Kazuo Ishiguro. Một cuốn sách khác: "Tàn ngày để lại" (The remains of the day), cũng đã khiến tôi suy tư về tình yêu, về những đôi lứa "yêu nhau suốt đời" nhưng "không thể bên nhau mãi mãi".  Phải, họ sinh ra để chết. Và tình yêu chẳng cứu được cái gì. Tình yêu chẳng cứu được cái gì, nhưng chí ít họ đã yêu nhau. Nếu không yêu nhau, ai sẽ mua tặng cho ai chiếc băng cát xét của Judy Bridgewater mà người kia đánh mất? Nếu không yêu nhau, ai sẽ ôm ai trên đỉnh cánh đồng, lâu đến hàng thế kỷ, không nói gì hết, chỉ đứng đó ôm nhau, gió quất vào tơi tả? Và nếu không yêu nhau, ai sẽ nói cho ai rằng: "Thật tiếc, Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình đã không thể ở bên nhau mãi mãi"?...

Và tôi nhớ John Steinbeck từng nói, "tôi không muốn chui ra khỏi cuộc đời này khi cơ thể còn lành lặn, không chút nào bầm giập".

2. Một nhà văn có thể tán tụng một nhà văn như thế nào?

 Bức ảnh đăng kèm bài này là chụp nông thôn Mexico của Juan Rulfo, nơi ông đã viết "Chính là nơi nỗi buồn làm tổ". Cả đời mình, ông có 6.000 bức ảnh như thế, chỉ có 2 cuốn sách mỏng, thêm 1 cuốn cũng mỏng được in sau khi ông mất. Vậy mà chỉ viết chừng ấy, dường như đã là đủ cho một đời.

Ngày Jorge Luis Borges đến Mexico, người ta đưa văn hào Argentina đến gặp tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ, như một sự trọng đãi cao nhất. Nhưng Borges không đến Mexico để gặp ngài Luis Echeverría, rõ là như thế. Ông đến để làm một việc khác. Ông bảo những người mời ông tới đây rằng ông muốn “xin một ân huệ”. Ân huệ gì? Ông muốn đi thăm kim tự tháp của người Teotihuacan hay thử một ly Michelada? Không, ông chỉ muốn gặp nhà văn Juan Rulfo.

Người ta gợi ý tổ chức một bữa ăn sáng để Borges gặp Rulfo. Borges bảo không: “Tôi xin các ngài. Tôi thích hoàng hôn hơn. Những buổi bình minh đả bại tôi. Tôi không còn đâu sinh lực hay sự mạnh mẽ để mang cho nó những điều nó xứng. Buổi chạng vạng thích hợp với tôi hơn. Tôi chỉ muốn trò chuyện với anh bạn Rulfo của tôi mà thôi”.

Nguồn: ITN

Như mọi người đều biết, Gabriel García Márquez cũng mê Rulfo và đã nói không có tác phẩm "Pedro Páramo" thì không có "Trăm năm cô đơn". Nhưng Marquez là hậu bối của Rulfo, còn Borges thì hơn Rulfo gần hai mươi tuổi. Khi Juan Rulfo bắt đầu viết tập truyện đầu tiên, Borges đã lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Vậy mà, trong khi Rulfo khiêm tốn gọi Borges là “thầy” và tuyên bố “Có đủ các Juan, nhưng Jorge Luis chỉ có thể là Borges”, thì ngược lại, Borges nói: “Tôi sẽ chia sẻ với cậu một bí mật. Nội tôi, một vị tướng, nói tên ông không phải là Borges, mà tên thật ông là khác cơ, một bí mật! Ngờ rằng tên ông chính là Pedro Páramo. Và tôi chính là phần tái bản của những gì cậu đã viết về những người ở Comala".

Còn lời tán tụng nào hơn thế nữa? Rằng tôi chỉ là bản sao, còn cậu và văn chương của cậu là tổ tiên, là nguyên thủy. 

Chúng ta biết rằng, cuốn "Bình địa trong lửa" của Juan Rulfo được thảo năm 1953. Hai năm sau là "Pedro Páramo". Cuối thập niên 1950, Jorge Luis Borges mù hẳn. Suy ra, những tác phẩm của Rulfo có thể nằm trong số những tác phẩm cuối cùng mà Borges cầm lên và đọc một cách đích thực. Với một người sống để đọc như Borges, cái kết ấy của cuộc đời đọc sách hẳn cũng không đến nỗi nào. Thậm chí, là một sự ủi an rất lớn.

Hiền Trang