Vẫn còn lỗi nhịp

- Thứ Ba, 03/11/2020, 08:06 - Chia sẻ
Mặc dù, các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhưng còn 168.528 thông tin tồn đọng chưa vào sổ tiếp nhận văn bản đến và 465.287 thông tin chưa lập lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung. Một trong những lý do sự lỗi nhịp của các phần mềm liên quan; cũng như thiếu các tính năng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Không trễ hẹn, nhưng...

Để thực hiện việc quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các đối tượng đương nhiên được xóa án tích, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an đã ký kết Quy chế số 02 ngày 28.6.2018 về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ thực hiện gửi toàn bộ các hồ sơ nhận được đến 3 cơ quan: Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia - Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) - Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (Công an tỉnh/thành phố).

Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ có trách nhiệm trả lời kết quả trong thời hạn 5 ngày làm việc; trường hợp có thông tin đến việc khởi tố, kết án thì thời hạn 9 ngày làm việc và cung cấp các bản photo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù… cho Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia có trách nhiệm tra cứu trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và tổng hợp kết quả với Cục, Phòng để trả kết quả cho Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc tiếp nhận hồ sơ, tra cứu, xác minh và trả kết quả giữa các đơn vị nêu trên cũng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường internet.

Tính đến nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quy chế số 02 về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hiện, mỗi ngày, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện tra cứu, xác minh và tổng hợp dữ liệu và trả kết quả cho các Sở Tư pháp từ 2.000 - 3.000 trường hợp. Như vậy, các cơ quan liên quan đã không còn lỗi hẹn với tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, tuy nhiên vẫn còn đó số lượng lớn dữ liệu lý lịch tư pháp chưa được xử lý. 

Nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, tổ chức ngày càng cao  

Lỗi tại phần mềm!

Tính đến ngày 30.6.2020, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và các Sở Tư pháp đã tiếp nhận 6.180.015 thông tin lý lịch tư pháp. Tại Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã nhận được 2.117.293 thông tin lý lịch tư pháp, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá. Trên cơ sở thông tin lý lịch tư pháp nhận được, Trung tâm đã tiến hành xử lý 1.107.024 thông tin lý lịch tư pháp bằng giấy và 65.099 thông tin lý lịch tư pháp điện tử; cung cấp cho các Sở Tư pháp 547.391 thông tin lý lịch tư pháp.

Quá trình 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp cho thấy, sự thiếu đồng bộ về công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật giữa các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã dẫn đến việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thiện phần mềm quản lý lý lịch tư pháp phiên bản dùng cho Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và các Sở Tư pháp cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp hiện đang được sử dụng tại các Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia mới chỉ hỗ trợ công tác xử lý thông tin bước đầu, số hóa dữ liệu, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp vẫn phải trực tiếp cập nhật thông tin một cách thủ công vào phần mềm để tạo lập dữ liệu điện tử. Trong khi đó, với số lượng cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp hiện nay tại các Sở Tư pháp không thể đáp ứng được yêu cầu xử lý số lượng thông tin lý lịch tư pháp ngày càng nhiều.

Ngoài ra, phần mềm hiện nay cũng chưa có tính năng kiểm soát chất lượng dữ liệu được tạo lập vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Việc khai thác, sử dụng phần mềm hiện nay để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp chưa thực sự hiệu quả.

Mặc dù Bộ Tư pháp đã hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp Phiếu Lý lịch tư pháp giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho Sở Tư pháp nhưng hầu hết địa phương chưa hoàn thành giải pháp kỹ thuật này. Do đó, việc đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến có nhiều bất cập, Sở Tư pháp phải nhập lại thông tin cấp phiếu của người dân trên Trang đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến vào phần mềm quản lý thông tin một cửa điện tử của tỉnh gây tốn kém thời gian, công sức, làm gia tăng công việc cho cán bộ giải quyết thủ tục.

Điều đáng nói, hiện Cổng Dịch vụ công Quốc gia vẫn chưa thực hiện xác thực được việc đăng ký tài khoản cho người dùng là cá nhân đang ở nước ngoài thông qua thuê bao di động. Do đó, ngay cả khi Sở Tư pháp đã tích hợp thành công thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng như kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý lý lịch tư pháp thì đối tượng cá nhân đang ở nước ngoài cũng không thể lựa chọn đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Mặt khác, Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công Quốc gia quy định chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Cổng dịch vụ công trực tuyến là “cung cấp giải pháp xác thực phù hợp với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc sử dụng hệ thống xác thực do Bộ Ngoại giao cung cấp”, tuy nhiên đến nay Bộ này vẫn chưa hoàn thiện.

Phạm Hải