Vẫn còn xin - cho

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:02 - Chia sẻ
Quy định hồ sơ thủ tục chưa bảo đảm minh bạch, một số quy định có khả năng nảy sinh những giấy phép con, mang nặng tính xin - cho là những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (dự thảo).

Khoản 3, 4 Điều 8 dự thảo nghị định quy định doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng được điều kiện kinh doanh, chẳng hạn trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá phải có “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vùng trồng; tài liệu chứng minh có quy mô đầu tư trồng cây thuốc lá ít nhất 100ha/vụ mỗi năm, trong đó có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40ha”.

Bình luận về đề xuất này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, không rõ tài liệu nào sẽ chứng minh được các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại giấy phép quy định tại dự thảo nghị định? Việc không quy định cụ thể các loại tài liệu này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Quá trình rà soát, góp ý dự thảo còn cho thấy, không khó để có thể liệt kê các quy định có tính chất là “giấy phép con” - yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép/xác nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được cấp giấy phép kinh doanh - tại dự thảo. Chẳng hạn, Khoản 5, Điều 8 đề xuất “Văn bản xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp huyện xác nhận diện tích cây trồng thuốc lá tại mỗi vùng trồng”; hay tại Điểm c, Khoản 2, Điều 34 đề xuất “Bộ Công thương đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá".

Hoặc Điểm d, Khoản 3, Điều 8 quy định “Bộ Công thương đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá để thực hiện sản xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu sản phẩm thuốc lá"; Điểm b, Khoản 2, Điều 20 quy định “Bộ Công thương đồng ý bằng văn bản việc thuê, mượn, chuyển nhượng máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá của các doanh nghiệp sản xuất còn dư năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá”…

Các đề xuất này đều có một quy định chung là bộ quản lý (Bộ Công thương) phải đồng ý - nghĩa là phát sinh thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục có tính chất xin - cho, đồng ý.

Liên quan đến điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá, tại Khoản 2, Điều 16 dự thảo quy định, tùy thuộc vào nguồn gốc vốn mà doanh nghiệp có phải đáp ứng điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước. Chẳng hạn, doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước theo lộ trình (năm 2021 phải đạt tối thiểu 15%, từ 2021 - 2024 mỗi năm tăng tỷ lệ lên 5%, sau năm 2025 đạt tỷ lệ 40%).

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc phân biệt điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dựa trên nguồn vốn của doanh nghiệp là chưa hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng điều kiện.

Liên quan đến vấn đề này, phản ánh của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, “do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Việt Nam, nguyên liệu nội địa chưa thể đáp ứng yêu cầu phối chế các nhãn thuốc lá, đặc biệt là các nhãn trung và cao cấp; nếu buộc các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải sử dụng phần lớn nguyên liệu lá trồng trong nước sẽ làm cho người tiêu dùng từ bỏ các sản phẩm thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước… và tìm kiếm thay thế bằng các sản phẩm nhập lậu”.

Có thể hiểu, quy định điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu được trồng trong nước là nhằm tăng tỷ lệ vùng trồng, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, theo góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì Nhà nước nên áp dụng biện pháp quản lý hướng đến nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước thay vì áp đặt tỷ lệ cứng về việc sử dụng nguyên liệu được trồng trong nước.

Phạm Hải