Vấn đề BAUXITE

- Thứ Bảy, 18/05/2013, 08:24 - Chia sẻ
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát ngôn của một số quan chức ở các bộ, ngành về trữ lượng bauxite của Việt Nam cũng như hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trong việc triển khai thực hiện 2 dự án bauxite ở Lâm Đồng và Nhân Cơ - Đăk Nông. Để rõ hơn về những vấn đề nêu trên, Báo ĐBND xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh - Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam.
1. Quặng bauxite để chế biến luyện nhôm kim loại

Bauxite là quặng màu nâu vàng, nâu đỏ xám trắng bao gồm các khoáng vật: gibbsite hoặc hydrargilite Al(OH)3, diaspore HAlO2 và boehmite AlOOH.

Gibbsite Al(OH)3 có  thành phần hóa học là Al2O3: 65,4% và H2O: 34,6%, độ cứng 2,5 - 3,5 tỷ trọng 2,43. Gibbsite  được thành tạo do sự phá hủy và thủy phân các silicate alunine, đặc biệt trong các quá trình ngoại sinh nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ở miền nhiệt đới và á nhiệt đới.

Diaspore HAlO2  có thành phần hóa học là Al2O3: 85% , H2O: 15%, độ cứng 6 - 7, tỷ trọng 3,3 - 3,5. Diaspore  được tạo thành trong quá trình trầm tích và biến chất.

Boehmite AlOOH có thành phần hóa học là: Al2O3: 84,9%, H2O: 15,1%, độ cứng 3,5, tỷ trọng 3,01 - 3,06. Boehmite thường đi kèm với diaspore và gibbsite được hình thành trong quá trình ngoại sinh và có cả nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ thấp.

Hiện có hàng chục khoáng vật chứa nhôm như silimanite Al2SiO5, cryolite Na3AlFe, corundum Al2O3, nepheline (Na2K), AlSiO4, kaolinite v.v... nhưng chỉ có bauxite là loại quặng chính để luyện ra nhôm.

Sơ đồ chế biến luyện nhôm kim loại được thế giới sử dụng như sau:

 


Các điều kiện cần thiết để sản xuất nhôm kim loại có hiệu quả là:

- Có nguồn quặng bauxite dồi dào để ổn định sản xuất.

- Có nguồn điện dồi dào rẻ.

- Có nguồn nước dồi dào.

- Vị trí khai thác sản xuất thuận tiện cho việc rửa tuyển quặng, chế biến alumina, thải bùn đỏ an toàn môi trường lâu dài.

- Có hệ thống giao thông vận tải tốt để bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Thực tế, nhiều nước có trữ lượng bauxite lớn nhưng không làm giàu được, vì không bảo đảm các yêu cầu về điện, nước, vận tải. Vì vậy chỉ khai thác bán quặng thô, đó là các nước Guinea có trữ lượng 7,4 tỷ tấn bauxite, hàng năm khai thác khoảng 18 triệu tấn quặng; Jamaica có trữ lượng 2 tỷ tấn bauxite, hàng năm khai thác khoảng 10 triệu tấn quặng.

Bên cạnh đó, trong sản xuất chế biến alumina cần đặc biệt lưu ý đến môi trường. Đó là vấn đề bùn đỏ.

Bùn đỏ là sản phẩm chất thải của công nghệ Bayer chế biến quặng bauxite thành alumina (Al2O3). Bùn đỏ là một hỗn hợp các tạp chất rắn và kim loại được thải ra trong quá trình chế biến alumina. Màu đỏ là do sắt bị oxy hóa có thể chiếm đến 60% khối lượng của bùn thải.

Bùn đỏ không dễ dàng xử lý, bùn đỏ có độ pH cao từ 10 đến 13. Nó được bơm ra và để khô tự nhiên vào một khu vực khu trú quặng đuôi, được ngăn cách với xung quanh bởi các đập có phủ các lớp đất sét. Đập được thiết kế và xây dựng khác nhau theo tiến bộ kỹ thuật trong ngành xây dựng. Lưu ý vị trí đặt khu vực thải bùn đỏ phải ở dưới thấp, trên nền đất sét để tránh ảnh hưởng đến nước ngầm và phải được lót đáy bằng lớp vải kỹ thuật chống thấm. Nếu vị trí chứa bùn đỏ ở trên cao thì tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường càng lớn khi xảy ra vỡ đập, khi đó toàn bộ bùn đỏ sẽ tràn ra khu vực xung quanh, đặc biệt nếu tràn ra lưu vực sông thì vô cùng nguy hiểm.

Tháng 10.2010 khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ từ một nhà máy alumina của Hungary do vỡ đập đã tràn vào các vùng xung quanh làm chết người và ô nhiễm một vùng rộng lớn là một bài học đắt giá cần phải luôn cảnh giác và tìm các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác hại từ bùn đỏ.

Nguồn: xalo.vn

2. Tài nguyên và trữ lượng bauxite trên thế giới

Trước hết cần phân biệt tài nguyêntrữ lượng

* Tài nguyên khoáng sản rắn là những tích tụ tự nhiên của các khoáng chất rắn bên trong hoặc trên bề mặt vỏ trái đất, có hình thái, số lượng và chất lượng đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu để có thể khai thác, sử dụng một hoặc một số loại khoáng chất từ các tích tụ này đem lại hiệu quả kinh tế tại thời điểm hiện tại hoặc tương lai. tài nguyên khoáng sản rắn được chia thành: tài nguyên khoáng sản rắn xác định và tài nguyên khoáng sản rắn dự báo.

* Trữ lượng khoáng sản rắn là một phần của tài nguyên khoáng sản rắn xác định đã được thăm dò và việc khai thác, chế biến chúng mang lại hiệu quả kinh tế trong những điều kiện thực tiễn tại thời điểm tính trữ lượng.

Như vậy tài nguyêntrữ lượng khoáng sản có ý nghĩa khác nhau.

Tài nguyên là các số liệu kết quả của công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chỉ làm căn cứ định hướng để thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản. Không thể dựa vào tài nguyên để thiết kế khai thác xây dựng và phát triển kinh tế.

Trên thế giới hiện có hơn 40 nước đã phát hiện có quặng bauxite.

Theo Sở Địa chất Mỹ tháng 01 năm 2013 thì tài nguyên bauxite thế giới khoảng từ 55 đến 75 tỷ tấn được phân bổ như sau:

- Châu Phi:                              32%
- Châu Đại Dương:                  23%
- Nam Mỹ và Caribean:           21%
- Châu Á:                                18%
- Các nước khác:                     6%

Trữ lượng bauxite trên thế giới khoảng 28 tỷ tấn. Sản lượng khai thác năm 2011 là 259 triệu tấn; năm 2012 là 263 triệu tấn.

Với tài nguyên và trữ lượng bauxite dồi dào như đã trình bày ở trên, thì thế giới còn khai thác quặng bauxite được hàng trăm năm nữa.

Trong 15 năm qua, sản lượng khai thác bauxite tăng bình quân hàng năm là 5%.

Trên thế giới có hơn 30 nước với 111 nhà máy chế biến alumina và hơn 40 nước có 156 nhà máy điện phân nhôm kim loại. Sản lượng nhôm kim loại toàn cầu năm 2011 là 44,4 triệu tấn; năm 2012 là 44,9 triệu tấn.

3. Tài nguyên và trữ lượng bauxite ở Việt Nam

Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát ngôn của một số quan chức ở các bộ, ngành thì Việt Nam có trữ lượng bauxite lớn nhất thế giới, khoảng 10 - 11 tỷ tấn. Điều đó không chuẩn xác cần phải chỉnh lại cho đúng thực tế.

Theo sách Geology and Earth Resources of Vietnam do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường ấn hành năm 2011 thì tài nguyên trữ lượng bauxite của Việt Nam như sau:

a/ Loại bauxite laterit nguồn gốc phong hóa từ đá bazan Neogen tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng tài nguyên là  6,75 tỷ tấn và trữ lượng là hơn 2 tỷ tấn.

b/ Loại bauxite nguồn gốc trầm tích tuổi Pecmi muộn phân bố ở Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An. Tài  nguyên bauxite ở Cao Bằng là 240 triệu tấn, ở Hà Giang là 60 triệu tấn, ở Lạng Sơn là 50 triệu tấn. Theo Mineral Commodity Summaies 2013 (Sở Địa chất Mỹ) thì Việt Nam có trữ lượng bauxite là 2,1 tỷ tấn, đứng thứ 4 trên thế giới sau Guinea (7,4 tỷ tấn), Úc (6 tỷ tấn), và Brazil (2,6 tỷ tấn).

Rõ ràng Việt Nam có nguồn bauxite dồi dào nhưng khai thác, sử dụng nguồn quặng này như thế nào để làm lợi cho đất nước là bài toán không dễ giải.

Tuy có nguồn quặng bauxite lớn, nhưng Việt Nam chưa có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này vì các lý do sau đây:

- Nguồn điện đang thiếu hụt, giá điện lại cao.

- Nguồn nước cũng đang thiếu hụt, nhất là với khu vực Tây Nguyên.

- Hệ thống đường giao thông lại không bảo đảm.

- Vị trí các mỏ bauxite ở trên cao nguyên không thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển, bảo đảm điều kiện môi trường.

- Chưa có các cán bộ, chuyên gia chuyên sâu và có kinh nghiệm về công nghệ chế biến alumina và nhôm kim loại.

- Đặc biệt là nhu cầu thị trường alumina, nhôm kim loại trên thế giới đã bình ổn hàng chục năm nay. Bauxite không phải là khoáng sản nóng thiết yếu ở trên thế giới. Việt Nam chỉ có thể  có chỗ đứng trong thị trường nhôm thế giới nếu giá thành sản xuất rẻ hơn các nước khác. Điều đó chưa thể có được ở thì hiện tại và cả trong nhiều năm tới.

Chương trình khai thác chế biến bauxite của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01.11.2007. Từ năm 2009. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm 2 dự án: Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và Alumina Nhân Cơ - Đak Nông.

Đến nay qua 4 năm thực hiện các dự án khai thác chế biến bauxite, VINACOMIN đã có báo cáo tại Hội thảo bauxite Tây Nguyên ngày 9.5.2013 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng: đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác XDCB mỏ. Đã khai thác được 1,6 triệu tấn quặng bauxite. Nhà máy tuyển quặng cũng đã cơ bản hoàn thành và sản xuất được 265.000 tấn quặng tinh bauxite. Nhà máy Alumina đã hoàn thành cơ bản XDCB, tính đến tháng 4.2013 đã sản xuất được 28.600 tấn alumina và 16.700 tấn hydrat. Giá trị thực hiện đầu tư tính đến 31.3.2013 là 11.612 tỷ đồng:

- Nhà máy tuyển chậm 1,5 năm.

- Nhà máy Alumina chậm 2,5 năm.

Dự án Alumina Nhân Cơ - Đăk Nông: đã hoàn thành công tác thăm dò mỏ. Trong quá trình xây dựng các hạng mục công trình đã tận thu được 1,5 triệu tấn quặng bauxite nguyên khai. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhà máy tuyển đã cơ bản xong và hoàn thành san gạt một phần cho nhà máy tuyển.

Nhà máy Alumina Nhân Cơ: phần trong hàng rào nhà máy đã hoàn thành 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã đến chân công trình, các thiết bị đang được lắp đặt, khối lượng hoàn thành đạt 51%. Dự kiến hoàn thành đầu tư nhà máy và có sản phẩm vào giữa năm 2014. Tính đến ngày 31.3.2013 tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án liên quan khác đạt 6.836 tỷ đồng. Dự án chậm so với dự kiến hơn 1,5 năm.

Những số liệu do VINACOMIN báo cáo, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cần được các cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định và có kết luận chính thức báo cáo với Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.

Kết luận:

Căn cứ vào tình hình bauxite trên thế giới và trong nước, chúng tôi nhận thấy:

1. Bauxite không phải là loại khoáng sản nóng, thiết yếu mang yếu tố cạnh tranh trên thế giới, hàng trăm năm nữa thế giới mới cạn kiệt nguồn quặng này.

2. Bauxite tập trung khá đồng đều ở các châu lục, riêng châu âu không có bauxite nhưng vẫn dễ dàng nhập khẩu bauxite từ các nước khác.

3. Thị trường bauxite và nhôm kim loại trên thế giới khá ổn định và tăng khoảng 5% hàng năm.

4. Việt Nam có tài nguyên trữ lượng bauxite lớn đứng trong top 5 thế giới. Nhưng Việt Nam không có lợi thế về các điều kiện cơ sở hạ tầng (thiếu điện, thiếu nước, giao thông vận tải kém, địa hình Tây Nguyên không thuận lợi cho khai thác, chế biến bauxite một cách an toàn...), điều kiện kinh tế - xã hội chưa đảm bảo cho sản xuất chế biến bauxite ở quy mô lớn...

Việt Nam chỉ có chỗ đứng trong thị trường bauxite - alumina - nhôm thế giới với điều kiện giá thành sản phẩm phải rẻ hơn các nước khác. Điều này khó xảy ra.

Do vậy mọi dự án tiếp theo để phát triển khai thác, chế biến bauxite trong nhiều năm tới sẽ khó đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn và không hiện thực.

Pgs.Ts Nguyễn Khắc Vinh
Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam