Covid-19 và bầu cử

Vận động bầu cử trong đại dịch

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:59 - Chia sẻ
Một khía cạnh quan trọng của quá trình dân chủ bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19 là vận động bầu cử. Đối với những nước đã tiến hành tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động tranh cử của họ diễn ra như thế nào?

Các chiến dịch vận động tranh cử là cơ hội để các đảng phái chính trị và các ứng cử viên đưa ra ý tưởng xây dựng về các chính sách công trong tương lai. Hoạt động này mở ra các cuộc tiếp xúc cử tri, tranh luận, thảo luận công khai về cách điều hành đất nước. Trên cơ sở cương lĩnh chính trị của từng ứng cử viên, cử tri dễ dàng hơn trong việc cân nhắc các lựa chọn khi bỏ phiếu. Bên cạnh đó, vận động bầu cử cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền dân chủ. Hoạt động này là những nghi thức báo hiệu rằng quá trình dân chủ đang được thực thi.

Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các chiến dịch vận động tranh cử và tiếp xúc cử tri, thường là yêu cầu tụ tập đông người, không chỉ truyền đi những thông điệp bầu cử, mà có nguy cơ truyền đi cả virus Corona. Do đó, thời gian qua đã có nhiều cuộc tranh luận về việc có nên hạn chế các chiến dịch tranh cử để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hay không? Những quốc gia nào đã đưa ra những hạn chế như vậy? Những hình thức vận động thay thế nào đã được áp dụng? Các chiến dịch có thực sự làm lây lan virus hay đây chỉ là cơ hội thuận tiện để các thế lực trấn áp các hoạt động chính trị? Chúng ta có thể có một cái nhìn tổng quan nhằm tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, dựa trên dữ liệu được thu thập từ các phương tiện truyền thông và báo cáo quan sát bầu cử của 52 cuộc bầu cử cấp quốc gia (ở 51 nước) vào năm 2020 liên quan đến hoạt động tranh cử. Đây là một phần của dự án nghiên cứu hợp tác giữa International IDEA và Dự án Liêm chính bầu cử về Covid-19 và các cuộc bầu cử.

Vận động truyền thống bị hạn chế

Một trong những thách thức bầu cử trong thời kỳ dịch bệnh là khó khăn của việc tiếp xúc cử tri. Đối với những nước đang áp đặt lệnh phong tỏa, thì các cuộc vận động, gặp gỡ cử tri dường như là điều không thể. Đó cũng là điều mà cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đã nhận thấy trong chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội Hàn Quốc tháng 4.2020. Ông nói rằng, những cái ôm, những cái bắt tay đôi khi còn có sức ảnh hưởng hơn cả lời nói, nhưng việc giãn cách xã hội khiến điều đó trở nên bất khả thi. “Chúng ta bị hạn chế trong việc bày tỏ cảm xúc ở thời điểm này”, ông nói với CNN khi vận động tranh cử ở quận Jogno, thủ đô Seoul.

Gần một nửa số quốc gia được nghiên cứu (22 trên tổng số 51 nước, chiếm 43%) đã áp đặt những hạn chế đối với chiến dịch vận động truyền thống do các biện pháp hạn chế bắt buộc mà Chính phủ đưa ra đối với hoạt động đi lại và tụ tập đông người. Những hạn chế này bao gồm giới hạn về số lượng người được phép tham dự các cuộc tụ họp công khai và cấm hoàn toàn các cuộc biểu tình hoặc sự kiện chính trị.

Ví dụ, trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7.2020, Singapore đã cấm các cuộc tụ tập công khai một cách hiệu quả bằng cách không cấp phép cho các cuộc họp bầu cử, bao gồm các cuộc mít tinh của các ứng cử viên hoặc các đảng phái tại các trung tâm hội nghị. Ở Montenegro, các cuộc tụ tập công khai chỉ giới hạn ở 100 người và các cuộc biểu tình bị cấm trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 8.2020. Tại Jamaica, trước Tổng tuyển cử tháng 8.2020, các cuộc vận động chính trị không được phép, các cuộc họp chỉ giới hạn ở 20 người và số lượng người tham gia bị giới hạn ở năm người mỗi nhóm. Ở Jordan, các cuộc tụ tập được giới hạn ở 20 người và các cuộc biểu tình đã bị cấm trước Tổng tuyển cử tháng 11.2020. Jordan cũng yêu cầu các ứng cử viên và những người ủng hộ dự kiến ​​sẽ không tổ chức bất kỳ bữa tiệc nào và tôn trọng lệnh giới nghiêm toàn quốc 4 ngày ngay sau cuộc bỏ phiếu. Croatia còn chỉ giới hạn 10 người cho các cuộc họp trong nhà.

Chiến dịch vận động “gõ cửa từng nhà” vẫn được cho phép nhưng cũng kèm theo các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn y tế. Ở Singapore, điều này có thể diễn ra, nhưng với số lượng không quá năm người mỗi nhóm. Mỗi nhóm cũng được yêu cầu giữ khoảng cách an toàn một mét với các nhóm khác, các cá nhân phải đeo khẩu trang, tương tác ngắn gọn và tránh bắt tay. Jamaica cũng giới hạn 5 người cho mỗi nhóm vận động.

Các biện pháp nhằm bảo đảm y tế khác cũng được áp dụng bao gồm kiểm tra thân nhiệt cho các đối tượng tham gia các chiến dịch vận động tranh cử (Myanmar), phun khử trùng đối với các địa điểm họp trong nhà (Chile), đưa ra khoảng thời gian tối đa cho các cuộc họp (Sri Lanka), sử dụng micrô chuyên dụng hoặc đã được khử trùng cho các chính trị gia (Myanmar, Sri Lanka).

Nguồn: ITN

Vận động từ xa được khuyến khích

Trước những hạn chế này, nhiều đảng phái chính trị và ứng cử viên đã chọn cách vận động thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến khác nhằm gây ấn tượng với các cử tri. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 có thể đã giúp đẩy nhanh sự thay đổi chiến dịch tranh cử theo hướng này. Tại Singapore, các bên đã thảo luận về kế hoạch của họ thông qua các cuộc mít tinh trực tuyến trên Facebook, YouTube, Instagram, TV và radio. Ở Kuwait, phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là Twitter, Zoom và WhatsApp, vì các cuộc gặp trực tiếp bị cấm. Ở Hoa Kỳ, trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.2020, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều sử dụng mạng xã hội và thậm chí tổ chức đại hội đảng trực tuyến.

Các cơ chế phi kỹ thuật số cũng đã được các đảng phái và các ứng cử viên sử dụng trong thời kỳ đại dịch để truyền tải thông điệp của họ, đặc biệt là ở các quốc gia khả năng tiếp cận với internet còn hạn chế. Ví dụ, truyền tải thông điệp chính trị qua dịch vụ tin tin nhắn (Mali), vận động qua điện thoại (Mỹ), thư gửi qua bưu điện (Serbia) và chương trình giao lưu trực tuyến trên truyền hình, báo chí và đài phát thanh (Chile, Nam Phi, Cộng hòa Dominica, Ba Lan, Seychelles…).

Đạt Quốc