Vận động kiều bào trong bối cảnh mới

- Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:48 - Chia sẻ

Thành tựu và tự hào

Tết năm 1993, cách đây gần 28 năm, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ban Việt kiều Trung Ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, Ủy ban nhà nước có liên quan tổ chức Hội nghị Việt Kiều Xuân Quý Dậu 1993 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đất nước lúc đó đang bị bao vây cấm vận. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Sự thay đổi thể chế chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã làm đảo lộn trao đổi thương mại của Việt Nam. Nhiều bài toán kinh tế phải có hướng giải quyết khác chỉ trong một thời gian ngắn.

Số người ra đi bất hợp pháp giảm, thay vào đó là những đợt xuất cảnh theo Chương trình ra đi có trật tự và theo diện đoàn tụ gia đình. Cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài tăng về số lượng, đa dạng hơn về cơ cấu, phức tạp hơn về chính trị.

Trong nước, đường lối Đổi Mới được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 bắt đầu vực dậy sinh lực và tiềm năng của đất nước. 

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nói: “Nhiều người ví tình hình Việt Nam hiện nay như quang cảnh tranh tối tranh sáng. Điều này không sai. Nhưng phải bổ sung thêm: Đây là tranh tối tranh sáng lúc rạng đông. Con Gà Quý Dậu cất tiếng gáy báo hiệu rạng đông, báo hiệu vận hội mới của đất nước, tương lai phát triển rạng rỡ của nước Việt Nam ta, thúc giục chúng ta tranh thủ các khả năng và cơ hội mới đưa đất nước tiến nhanh.

Chúc hội nghị chúng ta thành công, đánh dấu một bước mới trong việc thực hiện chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc, mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy khả năng về nhiều mặt của kiều bào góp phần xây dựng đất nước”.

Từ “tranh tối tranh sáng” hôm qua đến vị thế, uy tín và tiềm lực đất nước hôm nay, tuy còn không ít thách thức và khó khăn, chặng đường mà dân tộc ta đã đi qua là rất đáng tự hào, kết quả của đường lối Đổi Mới, của sự lãnh đạo và điều hành đất nước, của sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc. Và còn của sự đóng góp của kiều bào, trí thức, chuyên gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, nhiều thế hệ, với tấm lòng hướng về gia đình, quê hương, đất nước. Bởi một lẽ đơn giản: người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Phát huy thành tựu này, nhân nó lên là một nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách trong bối cảnh mới hiện nay.  

Nghị quyết số 36/NQ-TW và kế hoạch triển khai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 26.3.2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết khẳng định:

(1) “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

(2) “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ngày 5.10.2004, trong Văn bản số 262/UBTVQH11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Kế hoạch triển khai Nghị Quyết số 36/NQ-TW.

Kế hoạch là kết quả tiếp cận tổng hợp, với 5 mảng công việc cần thực hiện. Vì các chính sách cần được thể chế hóa bằng luật pháp nên mảng công tác lập pháp quy định rõ các lĩnh vực và nội dung cần thể chế hóa, cơ quan của Quốc hội chủ trì và các cơ quan phối hợp [1]

Từ chủ trương, chính sách đến triển khai thực tế luôn có khoảng cách cần giải quyết. Mặt khác, cục diện thế giới và công cuộc phát triển đất nước luôn đặt ra những vấn đề mới. Những gì đã đề ra cách đây 16 năm rõ ràng cần được cập nhật và bổ sung.

Công tác vận động kiều bào trong bối cảnh mới   

16 năm trước, Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chỉ mới có Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện nay nước ta là một trong số các quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng nhất thế giới, với độ mở của nền kinh tế cao tương ứng.

16 năm trước, tác động lên nền kinh tế toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (còn được gọi là cuộc cách mạng số) vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF.

Mãi đến năm 2016, tại Davos WEF mới đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn được gọi là cuộc cách mạng điều khiển học (cybernetics), đến internet kết nối vạn vật, đến kết nối các hệ thống thông minh,… và đến tác động chẳng những lên kinh tế toàn cầu mà còn lên xã hội loài người.  

Chỉ mới 4 năm, nhưng tốc độ của những đổi thay và sức xuyên thủng những ranh giới mà sự tồn tại tưởng không còn gì để bàn cãi (ví dụ giữa các lĩnh vực khoa học) của cuộc cách mạng này là điều chưa từng thấy.

Cách đây một năm thôi, mấy ai hình dung thế giới lại có thể bị đảo lộn như hiện nay bởi đại dịch Covid - 19, buộc các nước phải nhìn nhận lại về mô hình tăng trưởng của mình, về câu hỏi “khai thác cạn kiệt hay chung sống hài hòa với Thiên nhiên”?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid - 19 tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia, các dân tộc, bất luận đã hay đang phát triển. Tuy nhiên chúng không chỉ đặt ra các thách thức mà còn mở ra những cơ hội cho những quốc gia nào biết nắm bắt.

Việt Nam có 5,3 triệu người sinh sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kết quả quản lý tốt đại dịch, mặc dù khó khăn, Nhà nước Việt Nam đã và sẵn sàng đón nhận con em mình về nước theo ý nguyện của họ, xem đây là nghĩa vụ. Điều này làm tăng thêm sự gắn bó và tin tưởng ở đất nước.

Mặc dù có bị hạn chế đi về, nhưng qua mạng, các nhà khoa học vẫn cộng tác, trao đổi với nhau, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn tìm cách khai thác các thuận lợi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra. Có thể nói, bên cạnh các cơ quan đại diện Việt Nam, nước ta còn có không ít các “đài quan sát” để thu nhận những bài học quý, kinh nghiệm hay của các nước từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và từ… đại dịch Covid-19.

Chắc chắn Việt Nam sẽ biết khai thác các cơ hội, sẽ có những chính sách phù hợp với cục diện mới để người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và tham gia xây dựng đất nước.

Không quá sớm để nhìn lại công tác vận động kiều bào trong bối cảnh mới.


[1] Tham khảo Văn bản số 262/UBTVQH11 ngày 05.10.2004.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân