Vận hành hiệu quả trung tâm hồi sức tích cực

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:36 - Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch đã giúp công tác điều trị đạt được những kết quả tích cực; hạn chế trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.
	Bệnh nhân cao tuổi được điều trị khỏi tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Hồ Chí Minh
Bệnh nhân cao tuổi được điều trị khỏi tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Hồ Chí Minh

Nhiều bệnh nhân nặng hồi phục

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 7.9, có thêm 10.253 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710 bệnh nhân. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca. Con số đó đã cho thấy tính hiệu quả của việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức, bao gồm 11 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam, riêng TP. Hồ Chí Minh là 6 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. 

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh (do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý) đã có 18 bệnh nhân Covid-19 nặng, lớn tuổi, nhiều bệnh nền, được điều trị khỏi và xuất viện trong ngày 7.9. Ngoài 18 bệnh nhân nói trên, hiện tại, có nhiều ca đã có thể xuất viện hoặc đủ điều kiện chuyển sang tầng điều trị nhẹ hơn. Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, để điều trị thành công cho những bệnh nhân này, các bác sĩ phải kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Đây là một tiến bộ của Trung tâm trong việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng và hồi sức. Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và sự hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ tiếp nhận nhiều hơn nữa số lượng bệnh nhân mắc Covid-19. 

Với Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh - nơi đang điều trị hơn 300 bệnh nhân nặng, chỉ mới đi vào hoạt động 1 tháng nhưng đã có hơn 200 bệnh nhân từ nặng và nguy kịch chuyển sang nhẹ, với khả năng hồi phục rất tốt. Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, có bệnh nhân thuộc nhóm bệnh nhân rất nặng, nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường nhưng sau gần 20 ngày điều trị, bệnh nhân có đáp ứng điều trị tốt, đã bỏ được máy thở, tự thở tốt và được xuất viện. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế khảo sát và chỉ đạo, Trung tâm này đã được hình thành một cách “thần tốc”. Bệnh nhân được điều trị khỏi và ra viện là thành quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện khác. Với gần 70% bệnh nhân vào Trung tâm phải thở máy cho thấy cường độ làm việc rất cao của đội ngũ thầy thuốc. 

Linh hoạt và chủ động trong điều trị

Không thể chỉ tập trung vào hồi sức tích cực, nhiều trung tâm còn linh hoạt và chủ động điều phối với các tầng điều trị khác, nhằm hạn chế trường hợp tử vong. Đơn cử như Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Đồng Nai do Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai, với quy mô 220 giường.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi quan sát và nghiên cứu kỹ, các bác sĩ tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tử vong là cả 3 tầng điều trị phải điều phối nhịp nhàng, hợp lý và kịp thời. Theo đó, muốn giảm tử vong, điều trị ở tầng 1 và tầng 2 rất quan trọng, để người bệnh không chuyển nặng, các can thiệp điều trị phải chuẩn và càng sớm càng tốt, không đợi đến nặng mới điều trị.

Chính vì vậy, lãnh đạo Trung tâm đã ban hành sổ tay điều trị Covid-19 trước ICU, tức là trước khi phải vào hồi sức tích cực, chỉ làm mức độ nhẹ, mức độ trung bình và mức nặng nhưng chưa cần thở máy. Mỗi người bệnh cần 4 cấu phần điều trị phù hợp đó là tư vấn tâm lý, tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc. Trong đó, 3 cấu phần không dùng thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng với những trường hợp mới mắc và bệnh nhẹ, giúp tăng đề kháng, giảm tỷ lệ phải vào ICU.  

Với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý, có công suất 1.000 giường bệnh được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2 (TP. Thủ Đức), sau gần 2 tháng đi vào hoạt động đã cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Đây là bệnh viện thuộc tuyến điều trị cao nhất nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh; từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện. 

Được biết, để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, Bệnh viện đã kết nối trực tuyến để hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới nhằm nắm chắc tình hình các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên. Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tuyến dưới có thể chăm sóc, điều trị được thì Bệnh viện lại chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác. 

Đánh giá về công tác điều trị tại đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định, bệnh nhân bệnh nền nhiều, tuổi quá lớn, nguy cơ cao được giữ lại; các bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ thì phối hợp nhịp nhàng chuyển về tuyến dưới là rất hợp lý. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên mà còn cứu được nhiều bệnh nhân nguy kịch khác. 

Minh Nhật