“Vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên Phủ

- Thứ Năm, 25/04/2024, 18:50 - Chia sẻ

Một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước là chiếc xe đạp thồ - được mệnh danh là “vua vận tải” trên chiến trường.

Minh chứng lịch sử về “binh chủng xe đạp thồ”

Tại trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt" được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai mạc sáng 25.4, các hiện vật, tài liệu liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ được đông đảo công chúng quan tâm. Trong đó, chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, quê ở Thanh Hóa được giới thiệu như minh chứng lịch sử hùng hồn về “binh chủng xe đạp thồ” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong chiến dịch lịch sử này, điều kiện tiền tuyến cách xa hậu phương đến 400 -  500km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá hư hỏng, nhưng ta phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng, liên tục, thời gian gấp rút. Đặc biệt, việc tiếp tế cần được giữ bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh địch phát hiện và đánh phá.

“Vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên -0
Chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín được giới thiệu tại trưng bày

Tuy nhiên, với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, hàng vạn dân công đã được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra trận với phương tiện thô sơ. Một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất thời điểm đó là chiếc xe đạp thồ - được mệnh danh là “vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Kể câu chuyện về xe đạp thồ được trưng bày, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phòng Giáo dục - Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: đầu năm 1954, như bao dân quân khác trong cả nước, ông Bùi Tín tình nguyện mang theo chiếc xe đạp thồ phục vụ chiến dịch. Ông được phân công phụ trách một trung đội xe đạp thồ với hơn 30 người. 

Vận chuyển trong điều kiện đường rừng núi, đèo cao, dốc đứng vô cùng gian khổ, khó khăn từ Thanh Hóa lên Tây Bắc, lúc đầu ông Tín chỉ thồ được 80kg, sau đó, ông đã cải tiến, gia cố một số bộ phận giúp xe thêm chắc chắn và đã chở tới 213kg gạo, vũ khí phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ.

Mỗi lần như vậy, ông đều tổ chức cho anh em trong đơn vị rút kinh nghiệm. Sau đó, nhiều anh em đã làm được, và không bao lâu, phong trào thi đua này đã lan ra toàn tuyến. Kết thúc chiến dịch, ông Tín vinh dự được thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh

“Trong khi thực dân Pháp bằng đường hàng không hiện đại chỉ 90 phút là có 5 tấn hàng có thể đáp xuống sân bay Mường Thanh. Còn về phía ta, các phương tiện vận chuyển rất thô sơ, như người gồng gánh, ngựa thồ, và đặc biệt là xe đạp thồ” - bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

“Vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên -1
Góc chụp ảnh với xe đạp thồ trong trưng bày thu hút đông đảo bạn trẻ 

Một chiếc xe đạp thồ có sức chở trung bình từ 50 - 100kg, tương đương sức mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, chất lỏng (xăng, dầu), đi được trên nhiều loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không đi được. Ưu điểm của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.

Để có thể thồ được khối lượng lớn, từ một chiếc xe đạp, dân công, bộ đội đã sáng tạo, đã buộc thêm những thanh tre rồi gia cố thêm săm, vành, lốp, có thể vận chuyển được hơn 200kg. “Kỷ lục” vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (Phú Thọ) có chuyến chở 352kg hàng.

Sau này khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, người Pháp đã phải công nhận rằng những chiếc xe đạp thồ do người Pháp sản xuất ra nhưng lại được điều khiển bởi những dân công Việt Minh “ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilông trải trên đất” và có khả năng vận chuyển được hàng trăm kg, đánh bại được những vũ khí tối tân, hiện đại…

“Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường tìm lại độc lập, tự do” - bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nhận định.

Ng. Phương
#