Văn hóa Việt Nam vẫn tỏa sáng

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:23 - Chia sẻ
Hình ảnh cô bán hàng rong với gánh hàng đung đưa trên vai giữa trưa hè oi ả, cô bán hoa đạp xe chở hàng mỗi chiều đi qua phố cổ im lìm, những chụm đò miền Tây sau buổi đưa khách sang sông, hay hình ảnh chuồn chuồn gỗ đung đưa trên đầu ngón tay khi ta còn bé… chính là cảm hứng cho ý tưởng thiết kế “Cân bằng giữa những điểm giao” của Nguyễn Ngọc Thư (21 tuổi, Hà Nội) - giải Nhất cuộc thi thiết kế đồ họa "Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo".
Ý tưởng thiết kế “Cân bằng giữa những điểm giao” của Nguyễn Ngọc Thư
Ảnh: BTC cung cấp

Cân bằng truyền thống - hiện đại

“Tất cả (những hình ảnh trên) đều gợi lên trong tôi sự cân bằng. Cân bằng giữa cái cũ và cái mới, cân bằng giữa cuộc sống hiện đại nhưng cũng đầy biến động..." - Ngọc Thư chia sẻ.

Ý tưởng thiết kế của Nguyễn Ngọc Thư sẽ được phát triển sâu hơn nữa và trở thành hình ảnh chủ đạo xuyên suốt Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam - VFCD 2021. Thư sẽ là đối tác sáng tạo của VFCD 2021 và nhận được phần thưởng trị giá 25 triệu đồng.

Ngoài ý tưởng thiết kế của Thư, còn có 3 thí sinh được trao giải Khuyến khích. Trong đó, Nguyễn Hoàng Mạnh Khang (26 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) với ý tưởng thiết kế “Sự hài hòa giữa các thành tố biểu tượng”. Khang cho biết, hình ảnh chủ đạo áp dụng sự kết hợp của các thành tố 'mềm' và 'cứng', tạo thành 12 biểu tượng đại diện cho 12 ngành công nghiệp văn hóa thuộc thành tố mềm và 3 biểu tượng đại diện cho các thành tố cứng, bao gồm Kinh tế, Khoa học và Công nghệ. Các biểu tượng thuộc nhóm thành tố mềm được thiết kế từ những đặc điểm nổi bật, câu chuyện lịch sử hay nét văn hóa gắn liền với từng ngành nghề.

Ngô Nguyễn Thúy Anh (22 tuổi, từ Helsinki, Phần Lan) lại lấy cảm hứng từ cờ ngũ sắc (cảm hứng của bộ màu chủ đạo), biểu trưng cho giá trị văn hóa dân tộc. Hình tròn cách điệu trong ý tưởng thiết kế của cô đại diện cho sự bùng nổ, khuếch tán và các hình khối vuông vức đại diện cho sự kiến thiết của kinh tế, xã hội. Các yếu tố chính cũng được biến tấu linh hoạt để tạo nên hình ảnh đại diện cho 3 thành phố lớn thuộc khuôn khổ sự kiện.

“Tương lai của bất kỳ điều gì đều bắt nguồn từ hiện tại” - ý tưởng thiết kế của Ngô Quang Trung (22 tuổi, từ TP. Hồ Chí Minh) được ra đời dựa trên ý tưởng tương lai chính là sự đúc kết của khả năng sáng tạo và đổi mới ở hiện tại, khi một ‘tương lai sáng tạo’ hơn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bắt đầu từ những công cụ thiết kế và những hình thù cơ bản nhất.

“Tôi ấn tượng với sự chuyên nghiệp của các thí sinh. Các em đều thể hiện tư duy mạch lạc, hiện đại và sự nghiên cứu cẩn trọng trong bài thi của mình. Các em rất tài năng trong việc sử dụng công nghệ, với nhiều ý tưởng mới mẻ có khả năng thu hút nhiều đối tượng khán giả”, GS. Julia Gaimster - Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT - nhận xét.

Khả năng ứng dụng sáng tạo cao

Cuộc thi thiết kế đồ họa "Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo" diễn ra trực tuyến từ ngày 14.6 - 3.8, thu hút 37 cá nhân/nhóm thí sinh Việt Nam từ 18 - 30 tuổi cả trong và ngoài nước tham gia. Người thắng cuộc được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Sáng tạo, đột phá, khả năng biểu tượng hóa của thiết kế, định hướng thương hiệu và truyền cảm hứng.

Theo GS. Julia Gaimster, các thiết kế gửi đến cuộc thi đều cố gắng thể hiện cân bằng những yếu tố hiện đại và truyền thống trong văn hóa và đời sống của người Việt. Những người tham gia cuộc thi đều trẻ (18 - 30 tuổi) và họ mong muốn hướng tới đối tượng khán giả đến từ cả Việt Nam và quốc tế. “Ý tưởng giành giải cao nhất lấy cảm hứng từ những hình ảnh thường nhật và độc đáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, những hình ảnh như vậy lại được đưa vào những thiết kế hiện đại và mang phong cách công nghiệp. Tôi cho rằng điều này phản ánh một cách tuyệt vời cách văn hóa Việt Nam vẫn tỏa sáng trong thế giới số hóa và toàn cầu hóa hiện nay”, GS. Julia Gaimster nhấn mạnh.

Các bài thi đoạt giải đều cân nhắc kỹ đến khả năng ứng dụng công nghệ và tính linh hoạt khi đưa vào các nền tảng kỹ thuật số khác nhau. GS. Julia Gaimster cho rằng, điều này quan trọng vì phần lớn chương trình Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam năm nay dự kiến sẽ diễn ra hoàn toàn trực tuyến. “Ban giám khảo của chúng tôi rất vui vì được chứng kiến nhiều ý tưởng sáng tạo như bảng hiệu tương tác, sản phẩm quà tặng... bên cạnh các nội dung kỹ thuật số”.

Cuộc thi thiết kế đồ họa “Hình ảnh chủ đạo và ứng dụng sáng tạo” được đánh giá đã mang lại nhiều điều bổ ích không chỉ với thí sinh mà còn với hàng trăm người, bao gồm các nhà thiết kế trẻ và khán giả tham gia 2 hội thảo với đội ngũ nhà thiết kế xuất sắc. Cuộc thi khởi động cho Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) lần thứ 3 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Đây là lần đầu tiên VFCD tổ chức cuộc thi nhằm thử thách các bạn trẻ tham gia cùng xác định và thể hiện rõ nét ý nghĩa cho liên hoan năm nay theo chủ đề "Tương lai sáng tạo: Làm thế nào để ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam có thể hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh phát triển thông minh cho các thành phố lớn của Việt Nam".

Tuấn Phương