Vẫn khó an cư...

- Thứ Tư, 28/10/2020, 07:14 - Chia sẻ
An cư mới lạc nghiệp. Ai cũng biết như vậy, nhưng với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp càng thấm thía hơn và chặng trường để an cư cũng gian nan hơn rất nhiều...

Điều này có thể được chứng minh qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng gửi Quốc hội mới đây về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV, một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Đặc biệt, trong báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận giá hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Nhận định này là xác đáng, nhất là qua "lăng kính" nhà ở xã hội, chung cư cho người có thu nhập thấp - phân khúc phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người có nhu cầu thực hiện nay. Điểm dễ nhận thấy nhất trong phân khúc này là số lượng khá hạn chế, đồng nghĩa với việc người dân dù có nhu cầu thực sự cũng rất khó tiếp cận, chưa nói đến việc còn nhiều "góc khuất" khác. Ví như dù là nhà ở xã hội, nhưng sân, hầm để xe tràn ngập ô tô. Hiện tượng này dù giải thích thế nào thì cũng rất "khó hiểu".

Như thắc mắc của Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh miền Trung: Trước đây, nhiều người khó khăn lắm mới mua được căn chung cư dù giá chỉ 300 - 400 triệu đồng. Nay không hiểu vì sao cư dân ở đây lại sở hữu toàn ô tô đắt tiền. Tại sao bây giờ các hộ dân lại có ô tô nhiều thế? Vị Chủ tịch tỉnh này cũng khẳng định, thực tế những người có thu nhập thấp làm gì có điều kiện để sắm ô tô. Nếu phát hiện có tiêu cực trong việc mua bán nhà ở xã hội tại địa phương, tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm...

Thực tế chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu trường hợp "mua nhầm, thuê nhầm" nhà ở xã hội, chung cư cho người có thu nhập thấp, dù trên thực tế việc này là có. Vậy nên hiện tượng đã nêu ở trên chỉ có thể lý giải rằng trong quá trình triển khai xét duyệt đối tượng được mua, thuê nhà còn sơ hở, có lỗ hổng, nguồn cung hạn chế, mức giá chưa thực sự phù hợp và đặc biệt là người dân khó tiếp cận.

Và để giải quyết những bất cập này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã đề xuất hàng loạt giải pháp để đa số người dân có thể tiếp cận nhà ở như thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nhà ở giá rẻ; đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ; sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc thủ tục nhằm tăng nguồn cung nhà ở, góp phần bình ổn thị trường.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đây là những giải pháp căn bản để thúc đẩy, tăng nguồn cung nhà ở thời gian tới, đồng thời cũng góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường. Vậy nhưng song hành với việc ban hành cơ chế, chính sách, điều quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Những lỗ hổng về cơ chế, chính sách cũng như từ những nguyên nhân khác - nếu có - phải được làm rõ và có biện pháp khắc phục, không thể dừng ở "nhận định", còn người dân có nhu cầu thực vẫn khó an cư...

Khánh Ninh