Chậm giải ngân đầu tư công

Vẫn là nguyên nhân “kinh điển”

- Thứ Hai, 21/06/2021, 08:11 - Chia sẻ
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng chi đầu tư phát triển đạt thấp ngoài do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là khó khăn trong tổ chức thực hiện như đấu thầu; giải phóng mặt bằng; phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn chậm…

Nguyên nhân chính nhiều năm chưa khắc phục

Tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 (không gồm 16 nghìn tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng giao) là hơn 584 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là hơn 74 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là hơn 510 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, luỹ kế thanh toán từ đầu năm đến 10.6 với vốn các năm trước chuyển sang là hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 23,18% kế hoạch; với vốn kế hoạch năm 2021 là hơn 117,2 nghìn tỷ đồng, đạt 22,27% kế hoạch.

Bộ Tài chính ước tính, kết thúc tháng 6, thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ đạt hơn 133,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,23% kế hoạch và 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước đạt hơn 28% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt hơn 7,3%. Kết quả này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%).

Dù nửa năm sắp kết thúc nhưng mới có 9 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch. Còn lại, 37/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 9 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2021, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định: Chi đầu tư phát triển đạt thấp ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng… thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là khó khăn trong tổ chức thực hiện, như đấu thầu; giải phóng mặt bằng; phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn chậm.

Ủy ban này cho biết, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. Một số nhiệm vụ chi của các bộ, ngành thuộc 21 Chương trình mục tiêu cũng chưa được lồng ghép, rà soát đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến không có khả năng thực hiện.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc do có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận; vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,… Bên cạnh đó, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Kho bạc Nhà nước đề nghị các đơn vị nhập dự toán kịp thời lên Tabmis

Nguồn: ITN 

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trên; khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2021; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Về phía Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân, đồng thời đánh giá khả năng hoàn thành giải ngân năm 2021.

Nếu giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, nhất là tại các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành thì nền kinh tế không thể tăng trưởng được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nói tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, ông nhất trí với yêu cầu của Ủy ban Kinh tế, đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, ách tắc với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương để rà soát các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc trong quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ triển khai. Trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 để tập trung bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân.

Với vai trò cơ quan kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương giao nốt kế hoạch vốn năm 2021 còn lại cho các chủ đầu tư trực thuộc; đồng thời nhập dự toán kịp thời lên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để bảo đảm nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân. 

Tiểu Phong