Vẫn mắc … kinh phí !

- Thứ Ba, 14/09/2021, 12:16 - Chia sẻ
Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy; phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được Bộ Công an đề xuất đưa vào quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính tại Dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (Dự thảo).

Kết quả sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường cho thấy, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã đầu tư, cung cấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng chức năng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có tính đặc thù, kinh phí đầu tư cao, tiêu chuẩn thi công, điều kiện lắp đặt khắt khe, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao, không sử dụng thường xuyên, việc mua sắm trang cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, định mức theo quy định và nhu cầu sử dụng của các đơn vị nhất là trong lĩnh vực môi trường.

Hơn nữa, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP chỉ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, hiện vẫn chưa có quy định trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã luật hóa vấn đề nêu trên.

Xung quanh đề xuất này, không ít ý kiến cho rằng sẽ tăng thêm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, không hiếm địa phương chưa trang bị các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên lĩnh vực môi trường nên chưa thể phát huy hết được chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực này. Lý do được đề cập tới, đa phần các thiết bị nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường có giá rất cao mà nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường còn hạn chế. Đặc biệt, đa phần các loại que kiểm tra nhanh thực phẩm được trang bị chưa được sử dụng hết, để quá hạn, gây lãng phí; trong khi đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy phải dàn trải trên nhiều lĩnh vực chuyên môn, nên các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát môi trường chủ yếu tập trung đấu tranh với các hành vi khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường.

Lý giải đề xuất trên, đại diện Bộ Công an cho rằng: thực tế các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực mở rộng đã được quy định ở các văn bản pháp luật khác. Do vậy nguồn kinh phí mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, lý giải nêu trên chỉ giải quyết ở khía cạnh tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, mà chưa tính đến khả năng thực thi trên thực tế của quy định. Bởi, việc bổ sung 3 lĩnh vực nên trên sẽ tăng thêm áp lực cho các địa phương trong việc phân bổ ngân sách mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện; hơn nữa theo phản ánh của nhiều địa phương thì không ít trang thiết bị, phương tiện bị quá hạn. Vậy, vấn đề ở đây không chỉ là hoàn thiện hệ thống pháp luật mà là các giải pháp bảo đảm để quy định được triển khai trên thực tế. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì luật vẫn còn ở trên giấy. 

Đình Khoa