Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội

Vẫn nhiều khó khăn, vướng mắc

- Thứ Ba, 23/11/2021, 11:45 - Chia sẻ
Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Hiện nay, công tác rà soát tại các quận đang tiếp tục thực hiện và dự kiến cập nhật bổ sung vào danh mục thêm khoảng 200 - 300 nhà.

Trải qua nhiều thập kỷ, hiện hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Chính vì vậy, ngày 23.9, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Để thực hiện Đề án này, trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai, xác định quan điểm mục tiêu thực hiện theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ về cải tạo lại nhà chung cư, UBND TP Hà Nội dự kiến triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, ban hành Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ từ nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng. Hiện đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục; phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong quý II.2023.

Tiếp đó, thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch. Sau khi có quy hoạch chi tiết sẽ ban hành kế hoạch cải tạo, xây dưng lại. Hiện nay, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15.12. Nội dung Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được thực hiện với quan điểm toàn diện, đồng bộ, có trọng điểm. Về giải pháp, trọng tâm sẽ là tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư; tạo lập quỹ nhà ở tạm thời; thực hiện các chính sách ưu đãi.

Thực tế, việc xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ ở Hà Nội đã trở thành vấn đề cấp bách từ lâu thế nhưng việc triển khai quá chậm bởi nhiều lý do, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc. Lý do đầu tiên được đề cập đến đó là việc khó giải tỏa, nhà xây mới bị khống chế chiều cao, mật độ xây dựng, người dân ở tầng một thiếu hợp tác. Đại diện một doanh nghiệp dẫn chứng: Nhiều hộ dân tầng một muốn được đền bù cả diện tích lấn chiếm vốn là đất lưu không, lối đi; nhiều hộ có diện tích đất bất hợp pháp lớn hơn cả diện tích hợp pháp; có nhà lấn chiếm đất lưu không đã bán cho 2-3 hộ khác nên khó xác định nguồn gốc đất; nhiều hộ dân này đã được cấp quyền sử dụng đất nên doanh nghiệp không thể cưỡng chế. Ngoài ra, nhiều căn hộ có tới 2-3 thế hệ sinh sống nên chi phí đền bù, giải tỏa phát sinh rất lớn dẫn đến chủ đầu tư không có lãi nên đành phải "ngậm ngùi" từ bỏ.

Như vậy, có thể thấy, những vướng mắc trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại Hà Nội ngoài những lý do chủ quan nêu trên, còn có lý do khách quan là cơ chế, chính sách, định hướng cải tạo chung cư cũ chưa rõ ràng như chưa có quy định giải tỏa với hộ dân lấn chiếm đất, đền bù cho hộ tầng một khác với các hộ tầng cao, thiếu quy định chung khiến chủ đầu tư phải đi thỏa thuận với dân. Những vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ, nếu không việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ sẽ tiếp tục bế tắc.

Khương Ninh