Diễn đàn Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân

Vẫn vẹn nguyên ước nguyện làm đại biểu của dân

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:23 - Chia sẻ
Là một trong những đại biểu tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, ước nguyện làm đại biểu của dân vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim ông. Một nhiệm kỳ đi qua nhưng niềm tin, tình cảm mà ông dành cho Quốc hội, cho cử tri ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Không phân biệt đại biểu tự ứng cử

- Là một trong hai đại biểu Quốc hội tự ứng cử của Khóa XIV, ông có thấy sự khác biệt nào giữa đại biểu được giới thiệu và tự ứng cử?

- Tính từ thời điểm được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội Khóa XIV đến nay, tôi không nhận thấy có sự khác biệt nào trong ứng xử, tình cảm, đánh giá của cử tri, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là các lãnh đạo Quốc hội đối với đại biểu tự ứng cử và đại biểu được giới thiệu ứng cử. Tại Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội mà tôi là thành viên, tôi đều nhận được sự ứng xử bình đẳng. Mọi người đều quý mến, tôn trọng, động viên, không phân biệt giữa đại biểu được giới thiệu hay tự ứng cử.

Có thể khẳng định, được sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội là may mắn với cá nhân tôi. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội là một đoàn đại biểu mạnh, với số lượng đại biểu Quốc hội đông đảo, đều là những đại biểu có trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết với hoạt động của Quốc hội, gửi gắm của cử tri, người dân với họ. Khi tôi đưa ra ý kiến hay, đề xuất đúng đắn trên nghị trường đều nhận được sự động viên kịp thời của lãnh đạo thành phố. Ủy ban Về các vấn đề xã hội gần với lĩnh vực công tác của tôi (khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội). Trong các hoạt động của Ủy ban, mỗi đại biểu có ý kiến đúng đắn, xác đáng đều được đánh giá cao, đưa vào thể hiện trong báo cáo thẩm tra, kết quả giám sát.

- Từ kinh nghiệm hoạt động thời gian qua, ông nhận thấy, những yếu tố nào sẽ giúp các đại biểu thực hiện trọn vẹn vai trò là người đại diện cho dân tại Quốc hội?

- Để làm tròn vai, trước hết, đại biểu Quốc hội phải có kiến thức, hiểu biết, trình độ. Kiến thức này là kiến thức chung. Do vậy, kiến thức chuyên ngành tốt của đại biểu là chưa đủ, phải tiếp tục học hỏi, tổng hợp nhiều kiến thức khác. Thứ hai, những kỹ năng không dễ hình thành trong ngày một, ngày hai như đọc, viết, tổng hợp vấn đề, phân tích tình hình, lựa chọn chủ đề... Đặt câu hỏi hay phải có hiểu biết rất nhiều mới đưa ra được. Thứ ba, sự dũng cảm, dám nói, biết đeo bám. Thứ tư, là cách thể hiện trên nghị trường, thái độ khi thể hiện điều mình muốn nói. Nếu ý kiến đúng mà thể hiện với thái độ không đúng thì cũng không nên. Cuối cùng, có đủ thời gian để làm các hoạt động của đại biểu.

Thực tế, dù là một giảng viên đại học có trên 30 năm kinh nghiệm, từng đứng giảng liên tục nhiều buổi không cần giáo án, nhưng khi chuẩn bị một bài phát biểu 7 phút phải mất ít nhất 3 đêm nghiên cứu thông tin, lựa chọn vấn đề, đọc tài liệu. Để tránh trùng lặp với đại biểu phát biểu trước hay vấn đề đã được đề cập đến nhiều, tôi cũng phải chuẩn bị trước ít nhất ba bài phát biểu. Mỗi cá nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, thậm chí được cơ cấu đưa vào bầu, đều phải xem quỹ thời gian của mình. Nếu không bảo đảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hãy chủ động từ chối. Không nên được bầu rồi lại lấy lý do không có thời gian để giải thích cho việc chưa tham gia đầy đủ vào các hoạt động của Quốc hội.

- Khi được bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XIV, ông đang là lãnh đạo một đơn vị y tế đầu ngành, khối lượng công việc rất lớn. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện  nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội?

- Tôi quyết định tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội trong năm 2016 vì vào đúng "điểm rơi" của mình, khi thời gian công tác chỉ còn 1 năm 7 tháng, sau đó sẽ nghỉ hưu. Tôi cũng suy nghĩ một cách giản dị, mình là công dân thì phải chấp hành luật pháp, nghỉ hưu đúng theo quy định, không xin công tác thêm một giây phút nào. Do vào đúng thời điểm nên tôi quyết định tự nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và là một trong những người cuối cùng tự nộp hồ sơ ứng cử cho Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội (chỉ còn 30 phút sẽ dừng nhận hồ sơ). Quan trọng hơn cả, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là một tập thể mạnh về chuyên môn, có truyền thống đoàn kết, được "vận hành êm" nên tôi có thể dành nhiều thời gian cho các hoạt động của Quốc hội. Thời gian công tác cũng không quá dài. Sau khi nghỉ hưu, tôi đã tập trung nhiều hơn cho các hoạt động của Quốc hội.

- Việc làm lãnh đạo tại một đơn vị y tế có khiến ông bị "vướng" khi phát biểu trên nghị trường không?

- Việc đại biểu kiêm nhiệm, nhất là làm lãnh đạo ở các đơn vị chuyên ngành, về cơ bản dễ có lấn cấn khi phát biểu về hạn chế, tồn tại trong ngành, lĩnh vực của mình. Bởi khi ở cương vị quản lý, không chỉ khi đơn vị mình chưa làm tốt, kể cả đơn vị làm tốt, có điều kiện thuận lợi, các nơi khác không có được, cũng đã khó nói về hạn chế. Chưa kể còn mưu cầu lợi ích cá nhân. Mức độ vướng sẽ khác từng người, tùy từng đơn vị, song bản thân tôi thì không có vướng gì khi ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, vì mọi hoạt động của cơ quan đều tuân thủ đúng quy định pháp luật. Mặt khác, ngay từ khi chưa được bầu làm đại biểu Quốc hội, những vấn đề nào cần nói với lãnh đạo Bộ Y tế, tôi cũng đã từng nói. Bộ trưởng Bộ Y tế hiểu tính của tôi, biết mình là một cá nhân đứng đắn, có tinh thần xây dựng khi phát biểu.

Trong các kỳ họp đầu nhiệm kỳ Khóa XIV, tôi đã phát biểu nhiều lần về một số vấn đề ngành y tế cần khắc phục. Thậm chí, khi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với chất vấn về liên thông xét nghiệm, tôi đã đứng lên chất vấn lại khá gay gắt. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Kim Tiến không giận. Tôi tin rằng, lãnh đạo các bộ ngành cũng hiểu rất rõ ai phát biểu chân thành, ai chê thẳng thắn, chê đúng.

Cử tri là "người thầy" của tôi

- Nhìn lại nhiệm kỳ Khóa XIV, ông có hài lòng với những đóng góp của mình trong Quốc hội?

- Tôi rất hài lòng với những gì mình đã làm suốt 5 năm qua. Thứ nhất, tôi đã thực hiện được mơ ước của mình. Tôi đã chuẩn bị đủ tâm thế để làm đại biểu Quốc hội nên khi gánh trọng trách đó đã luôn đau đáu với công việc nhằm phát triển xã hội, phát triển đất nước. Với cái tốt, mình nên ủng hộ để nhân rộng lên. Với những cái chưa hoàn thiện, cái tiêu cực, tôi cũng thẳng thắn nêu vấn đề trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thậm chí ngay tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội trên tinh thần xây dựng, không chỉ trích, bới móc, không nói lấy được.

Đến bây giờ, tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn cử tri Đơn vị bầu cử số 9 của TP Hà Nội gồm huyện Đông Anh và quận Long Biên. Tôi cảm ơn vì họ đã tín nhiệm và bầu tôi làm đại biểu Quốc hội. 5 năm qua, cử tri thực sự là người thầy của tôi. Chính họ đã cho tôi biết những vấn đề cần quan tâm, ý kiến nào cần phải phát biểu. Bởi vậy, tôi rất hào hứng với những cuộc tiếp xúc cử tri, những buổi tiếp dân, những chuyến đi giám sát. Dù bận thế nào tôi cũng không bao giờ bỏ. Chính những cuộc như vậy, tôi lắng nghe, nắm được nhiều vấn đề và thấy tự tin phát biểu trước Quốc hội. Đó là những vấn đề mang đậm hơi thở cuộc sống như y tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, những vấn đề về môi trường, giáo dục, giao thông…

- Được biết ông đã nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV... Thực tiễn hoạt động tại Quốc hội 5 năm qua giúp ích cho ông như thế nào trong chặng đường tự ứng cử sắp tới? 

- Đến nay nguyện vọng trở thành một đại biểu của Nhân dân vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi. Tôi cũng nhận được lời đề nghị “tiếp tục ứng cử” từ nhiều cử tri. Điều đó đã thôi thúc tôi tiếp tục nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Niềm tin, tình cảm đối với với Quốc hội và cử tri ngày càng được bồi đắp, trở nên sâu đậm hơn. Hơn nữa, các kinh nghiệm có được qua tiến hành các hoạt động của Quốc hội trong Khóa XIV là rất quý báu, sẽ giúp tiến hành các hoạt động của một đại biểu Quốc hội tốt hơn nữa. Thực tế, qua 5 năm tham gia các hoạt động của Quốc hội, kiến thức về xã hội, về pháp luật đã ắp đầy trong tôi, không một trường đại học nào có thể bằng. Không chỉ kiến thức đã được làm giàu hơn trước, các kỹ năng tiếp xúc cử tri, phát biểu, kỹ thuật lấy tài liệu, xử lý thông tin, cách thức biểu đạt... đều đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm lần đầu tiên tôi trở thành đại biểu Quốc hội. Tôi cũng thấy mình còn sức khỏe, đủ minh mẫn để tiếp tục đóng góp. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện