Về Sóc Trăng nghe điệu Lăm thol

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:45 - Chia sẻ
Sóc Trăng là địa điểm mang đậm dấu ấn của thời kỳ khẩn hoang mở đất với những nét đặc trưng về sự trù phú của thiên nhiên, sự hào sảng của con người của vùng đất phương Nam. Với đặc trưng là sự cộng cư lâu đời, chung sống hài hòa giữa cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh, Hoa và Khmer, người dân Sóc Trăng đã hình thành nên những nét tính cách tiêu biểu trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Sự giao thoa về văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, lối sống đã được thể hiện khá đậm nét qua các lễ hội truyền thống, nét ẩm thực và ngay cả trong phong cách giao tiếp, ứng xử của người dân. Chính những đặc điểm này đã tạo nên những nét riêng tiêu biểu cho vùng đất Sóc Trăng so với các vùng miền trên cả nước. Đây cũng chính là điểm độc đáo và là tiềm năng du lịch lớn nhất thu hút du khách đến với vùng đất này.
Chùa và những điệu múa dân tộc trở thành những sản phẩm du lịch, làm nên nét độc đáo của du lịch Sóc Trăng

Đa dạng tài nguyên du lịch

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, tuyến, tour du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch mới được giới thiệu thu hút ngày càng nhiều du khách. Sóc Trăng có đầy đủ thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; du lịch biển và du lịch cộng đồng. Các điểm đến của loại hình du lịch tâm linh chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), Thiền viện Trúc Lâm, chùa Som Rong, chùa Quan Âm Linh Ứng… Các điểm đến gắn liền văn hóa sông nước như Cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, du lịch cộng đồng Cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung tại xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam, chợ nổi Ngã Năm.

Về du lịch biển, tỉnh sở hữu 72km đường bờ biển, có điểm du lịch Mỏ Ó với nhiều quán ăn hải sản, dịch vụ đạp mong - một trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt hải sản, thưởng thức đặc sản ngon lạ tại điểm du lịch Hồ Bể, tham quan bãi nghêu huyện Cù Lao Dung. Nếu khách muốn nối tuyến ra Côn Đảo thì chuyến tàu khách cao tốc Trần Đề - Côn Đảo là một trong những lựa chọn tối ưu nhất. Đặc biệt, đến Sóc Trăng vào các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc cùng dàn ngũ âm, điệu Lăm thol, điệu Dù kê, A day độc đáo.

Chuẩn bị đón khách sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống cho người lao động, hỗ trợ kích cầu mở rộng thị trường du lịch, đồng thời triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Sóc Trăng an toàn, hấp dẫn”, giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi, đa dạng hóa các kênh, hình thức truyền thông quảng bá du lịch. Ưu tiên phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Du lịch đến Sóc Trăng mùa lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến những cuộc đua ghe Ngo hào hứng và đầy kịch tính

Khởi sắc với nhiều điểm đến hấp dẫn

Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết, mặc dù, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng vẫn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Sang năm 2022, Sóc Trăng tiếp tục hoàn thiện các dự án và đưa vào hoạt động các điểm tham quan du lịch mới.

Điểm đến tại chùa Som Rong, nổi tiếng với công trình xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với kích thước dài 72 mét, cao 22,5 mét, đặt trên cao khoảng 28 mét so với mặt đất. Đây là tượng Phật do nhà chùa thiết kế và thi công với sự hài hòa trong kiến trúc giữa văn hóa các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa và trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh của thành phố Sóc Trăng trong việc thu hút du khách.

Điểm du lịch Tân Huê Viên đang thực hiện nâng cấp xây dựng dự án Tòa Liên Hoa Bảo tháp, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan. Dự án rộng trên 4,2ha, trong đó có công trình Liên hoa bảo tháp chiều cao dự kiến 68m, đường kính 99m. Công trình được thiết kế 3 tầng, bao gồm nơi thờ tượng Đức Phật Dược sư đúc bằng đồng dát vàng cao 6,8m.

Ngoài ra, Dự án Khu Văn hóa - tín ngưỡng Giếng Tiên do Công ty Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh đầu tư, có 3 giai đoạn sẽ hoàn thành vào năm 2025, với kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Công trình với quy mô 9,9 ha, mục tiêu dự án nhằm phục dựng lại truyền thuyết Giếng Tiên, câu chuyện gắn liền với phong tục, tập quán của đồng bào Khmer; đồng thời còn kết nối với chùa Bốn Mặt, chùa Chăm Pa và làng nghề thuộc xã Phú Tân, tạo thành chuỗi các điểm đến độc đáo, đặc trưng của văn hóa đồng bào Khmer. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành hạng mục kiên cố phần đất mặt nước, còn các hạng mục như xây dựng nhà truyền thống Nam bộ, khu ẩm thực, trò chơi dân gian, khu vực cây xanh... sẽ tiến hành xây dựng trong thời gian tới. 

Đồng thời, để xây dựng các dịch vụ về đêm níu chân du khách, tỉnh đang xây dựng phố đi bộ du lịch, từ đường Lý Thường Kiệt đoạn từ cầu 30/4 đến cầu C247. Theo đó, dự án sẽ bố trí những hạng mục như cải tạo vỉa hè, nâng cấp 2 cầu 30/4 và C247 thêm phần làn đường dành cho người đi bộ, trang trí những tiểu cảnh đặc trưng của tỉnh. Thời gian hoạt động từ 18h - 22h tối các ngày trong tuần.

Đặc biệt, vào cuối năm 2022, tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ lần thứ VIII trong thời gian 7 ngày. Lễ hội bao gồm các hoạt động chính như lễ cúng Trăng, lễ thả đèn nước, các trò chơi thể thao, Hội thi, hội diễn Nghệ thuật văn hóa Khmer Nam Bộ, hội thi ẩm thực, hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn, thú vị.

Bài và ảnh: Vũ Châu