Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (8.8.1921 - 8.8.2021)

Vị Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội thời kỳ đổi mới

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 05:40 - Chia sẻ
Là Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội Khóa VIII theo nhịp đổi mới của cả đất nước, bảo đảm tính thực chất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thiết thực, gặt hái được những thành công lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp.

Đổi mới Quốc hội theo nhịp đổi mới của cả đất nước

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VIII diễn ra vào ngày 17.6.1987 tràn ngập không khí đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nhà lãnh đạo khởi xướng công cuộc đổi mới của đất nước đều có mặt đông đủ, đó là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt...

Trong diễn văn mở đầu kỳ họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã phát biểu những lời “gan ruột”, nhìn thẳng vào sự thật mà ý nghĩa còn sâu đậm cho tới ngày nay: “Chân lý “lấy dân làm gốc” tưởng chừng rất đơn giản, mọi người thừa nhận dễ dàng, nhưng trên thực tế việc làm hoàn toàn không đơn giản. Phải chăng khi đã có chính quyền trong tay, không ít người trong chúng ta thường nặng về sử dụng quyền lực, ra lệnh từ trên, coi nhẹ việc thuyết phục, bàn bạc, động viên nhân dân làm. Thậm chí có người coi việc phát huy dân chủ gây trở ngại cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung, hạn chế vai trò quyền lực...  Tôi cũng biết rõ ở các khóa Quốc hội trước đây, có đại biểu sau khi được bầu, mất hút suốt cả nhiệm kỳ không gặp gỡ cử tri. Lý do đưa ra thì cũng đầy đủ cả. Nhưng dân thì họ nói: Người chủ gặp “đầy tớ” của mình sao mà khó quá”.

Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Đại biểu của nhân dân dù ở cấp nào cũng phải tự ý thức rằng, mình là chiếc cầu nối liền đông đảo cử tri với các cấp chính quyền, cần thiết phải xây dựng mối liên hệ vững chắc hai chiều giữa cử tri với các cơ quan dân cử... Tôi nghĩ rằng, diễn đàn của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp phải được sử dụng tốt hơn nữa theo hướng coi trọng thực chất và có hiệu lực... Tất cả những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định về mặt Nhà nước phải được đưa ra Quốc hội, Hội đồng Nhà nước thực sự bàn bạc dân chủ trước khi có nghị quyết chính thức, tuyệt đối không đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách là thụ động biểu quyết thông qua”(1).

Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII Lê Quang Đạo đã điều hành Quốc hội trong bối cảnh phải đổi mới mọi hoạt động của Quốc hội theo nhịp đổi mới của cả đất nước, bảo đảm tính thực chất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thiết thực như ông đã hứa tại Kỳ họp thứ Nhất, “Quốc hội Khóa VIII quyết tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình... làm việc có hiệu quả, khắc phục chủ nghĩa hình thức, quan liêu, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng... Chúng ta hứa với đồng bào và chiến sĩ cả nước: Bất kỳ ở cương vị và lĩnh vực hoạt động nào, người đại biểu Quốc hội phải không ngừng phấn đấu thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chấp hành đúng Quy chế về đại biểu Quốc hội, có tinh thần đổi mới, có phong cách “nói và làm”, đi sâu, đi sát thực tế, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, gương mẫu trong lối sống, chống mọi hành vi sai trái, tiêu cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đại biểu của mình, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân”(2).

Những dấu ấn đậm nét về lập pháp

Với sự năng động, đổi mới trong điều hành của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, sự nỗ lực hoạt động theo hướng thực chất, nâng cao hiệu quả của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Quốc hội Khóa VIII đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là lĩnh vực lập pháp.

Trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, công tác lập pháp của Quốc hội Khóa VIII phải đáp ứng hai yêu cầu quan trọng:

Một là, bước vào công cuộc đổi mới, nền kinh tế bắt đầu chuyển đổi mạnh, từ nền kinh tế kế hoạch hóa (chỉ có hai thành phần chủ yếu là kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã) chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Hai là, đất nước bắt đầu “mở cửa” hòa nhập khu vực, tiến tới hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, thích ứng.

Cả hai yêu cầu này đòi hỏi phải nhanh chóng có một bản Hiến pháp mới phù hợp với thể chế kinh tế mới, và phải sớm có một số lượng lớn các đạo luật vừa bảo đảm có chất lượng phù hợp với nền kinh tế mới đang chuyển đổi nhanh; vừa đồng thời còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ý thức sâu sắc trọng trách của mình, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội Khóa VIII xây dựng, thông qua được Hiến pháp năm 1992 cùng 31 đạo luật và 37 pháp lệnh. Về mặt số lượng, đó là những con số rất lớn, vì trong 41 năm của 7 khóa Quốc hội trước đó (1946 - 1987), Quốc hội mới chủ yếu xây dựng, ban hành 3 bản Hiến pháp, còn luật thì chỉ ban hành được 29 đạo luật. Hơn nữa, các luật về kinh tế được Quốc hội Khóa VIII thông qua và các khóa sau này thông qua hầu như phải thay đổi căn bản về nội dung để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Trong đó có những đạo luật rất mới và khá phức tạp như Luật Đất đai, Luật Cạnh tranh...

Đặc biệt, sự ra đời của Hiến pháp năm 1992, đạo luật gốc, cơ bản, có nhiều nội dung rất mới và phong phú, đã đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ riêng việc sửa đổi lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 thành lời nói đầu của Hiến pháp 1992 cùng một số nội dung khác đã tạo điều kiện cho đất nước ta nhanh chóng mở rộng quan hệ quốc tế trong tình hình mới (mà sau đó là đường lối đối ngoại: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi).

Trong nhiệm kỳ Khóa VIII, Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng và ban hành tới 37 pháp lệnh, một mặt đáp ứng yêu cầu tức thời của quản lý nhà nước trong nền kinh tế đang chuyển đổi; mặt khác, chuẩn bị cho việc ban hành các đạo luật ở những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Sau này phần lớn các pháp lệnh đó đã lần lượt được nâng lên thành các đạo luật.

Tiếp theo những thành tựu lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội Khóa VIII đạt được những kết quả rất quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt trên các lĩnh vực khác(3):

 Một là, sinh hoạt Quốc hội ngày càng phát huy dân chủ; các đại biểu nêu cao trách nhiệm, thẳng thắn (theo đúng lời hứa của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo ngay từ đầu khóa), đóng góp được nhiều ý kiến xác đáng cho những quyết sách lớn của Quốc hội, của đất nước. Đặc biệt trong nhiệm kỳ đã diễn ra sự kiện tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng), đó cũng là sự kiện tranh cử duy nhất trong sinh hoạt Quốc hội cho đến thời điểm này.

Hai là, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã thảo luận và ngày 30.6.1989 đã ban hành nghị quyết về việc Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước cuối tháng 9.1989.

Ba là, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 1989 hết sức có ý nghĩa. Trong đó việc lập Thường trực Hội đồng Nhân dân đã tạo điều kiện nâng cao vị thế của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Bốn là, bước đầu đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong đổi mới hoạt động.

Năm là, Quốc hội đề cao công tác thông tin, tuyên truyền; coi trọng công tác báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận, tác nghiệp và đưa tin về các hoạt động của Quốc hội đến với đông đảo công chúng trong cả nước...

Những đóng góp và ghi dấu ấn vào sự thành công của Quốc hội Khóa VIII - Quốc hội đổi mới có công sức, trí tuệ lớn lao của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang đạo. Ông đã thực hiện đúng như lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước từ đầu nhiệm kỳ, “nói và làm”, đi sâu, đi sát thực tế, gương mẫu trong lối sống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình.

————————

(1) Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Tập 7, quyển 1, trang 15-17.

(2) Như (1), trang 136-137.

(3) Vũ Mão: Dấu son Nghị trường, Nxb Thanh Niên 2015, trang 277.

Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội