Vì một nền tư pháp vững mạnh

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:24 - Chia sẻ
Dù công tác phòng, chống tội phạm, kiểm soát hoạt động tư pháp, xét xử các vụ án đạt nhiều kết quả tích cực, song những vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cấp, ở các khâu tố tụng khác nhau được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và một số ĐBQH chỉ ra đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiêm túc đánh giá, xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, yếu tố cần quan tâm trước tiên là bảo đảm tính tuân thủ pháp luật, vì một nền tư pháp vững mạnh thì trước hết tính tuân thủ pháp luật của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu.

Quy định đã rõ nhưng vi phạm vẫn xảy ra

Từ bức tranh toàn cảnh các hoạt động tư pháp trong năm 2020 được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá một cách kỹ lưỡng cho thấy nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. Một số lát cắt cho thấy, công tác điều tra, xử lý tội phạm, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 10%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt hơn 6% chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trong công tác kiểm sát điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 5,2%. Với công tác xét xử của Tòa án Nhân dân các cấp, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đáng chú ý, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, không phải không còn vướng mắc, hạn chế trong các công tác tư pháp. Theo ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), trong con số tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố cần chú ý đến việc có những cơ quan điều tra ở địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa đúng quy định. Theo phản ánh của cử tri, đại biểu nhận thấy có hiện tượng, sau khi xem xét, cán bộ chức danh, cơ quan điều tra địa phương đã từ chối nhận đơn tố cáo. Ngoài ra, khi chuyển đơn cho kiểm sát thì lại được hướng dẫn chuyển sang cơ quan công an, mặc dù Viện kiểm sát có trách nhiệm và thẩm quyền.

Cũng theo phân tích của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chặt chẽ hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thực hiện biện pháp ngăn chặn và tạm giam người bị buộc tội. Quy định đã rõ nhưng việc vi phạm thời hạn tạm giam không phải là hiếm, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền của người bị buộc tội. “Khi vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và xét thấy cần có thời gian cho điều tra và không có căn cứ thay đổi biện pháp tạm giam thì mới gia hạn tạm giam theo quy định. Việc vi phạm thời hạn tạm giam thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát cùng cấp. Viện Kiểm sát là cơ quan phê chuẩn việc gia hạn, vì vậy đã xảy ra tình trạng cùng quyết định gia hạn tạm giam một lần, nhưng khác số và khác ngày”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương dẫn chứng.

Đây là một trong những hiện tượng được các đại biểu chỉ ra và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn khắc phục trong thực thi quy định pháp luật. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu  

Nguồn: quochoi.vn 

Chỉ ra nguyên nhân nội tại

Có thể thấy, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đã quan tâm, ban hành nhiều luật, các văn bản dưới luật để không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý với công tác tư pháp. Thực tế, công tác tư pháp, đặc biệt là tiến hành tố tụng, có nhiều cố gắng, đã đem lại những kết quả nhất định. Song, những vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cấp cho thấy còn nhiều sai phạm ở nhiều cấp tố tụng, ở các khâu tố tụng khác nhau và đều có xu hướng tăng. Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị, những vi phạm này cần được các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ ra nguyên nhân nội tại và đề ra giải pháp khắc phục.

Phân tích vấn đề từ góc độ tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp - nội dung được nhiều đại biểu nêu tại những kỳ họp Quốc hội gần đây nhưng chưa được cơ quan tư pháp trả lời, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp "chưa được đề cao một cách triệt để". Việc vi phạm trong hoạt động tố tụng mới chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm của các cá nhân là những chức danh tư pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả và mang tính quyết định, tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội vẫn là những vi phạm trong hoạt động tố tụng cần phải xem xét, khôi phục trật tự đúng quy định của pháp luật, thì "chưa được coi trọng, chưa đặt đúng vị trí của vấn đề".

Tính tuân thủ chưa được bảo đảm do bản thân đơn vị hay cá nhân có trách nhiệm còn thiếu ý thức, hay vì thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện? Đặt câu hỏi này, ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu) nêu rõ, theo quy định tại Điều 183 và Điều 442, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc tiến hành hỏi cung bị can và lấy lời khai của pháp nhân thương mại, người có quyền lợi, nghĩa vụ hoặc đại diện hợp pháp liên quan đến các vụ án hình sự phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Theo Quyết định số 371 của Chính phủ thì chậm nhất đến ngày 1.1.2020, việc tiến hành hỏi cung bị can và lấy lời khai của pháp nhân thương mại, người có quyền lợi, nghĩa vụ hoặc đại diện hợp pháp liên quan đến các vụ án hình sự phải được ghi âm và ghi hình có âm thanh phải được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các địa phương vẫn chưa thể triển khai áp dụng, vì không có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật trang bị phù hợp cho các phòng hỏi cung; cùng với đó hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý và quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện công tác này. Vì vậy, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và sẵn có của địa phương, để việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can và lấy lời khai người bị tạm giữ liên quan đến vụ án... được thực hiện áp dụng đồng bộ theo lộ trình chỉ đạo của Chính phủ.

Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp ở đó trước hết tính tuân thủ pháp luật của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu. Nhấn mạnh nguyên tắc này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, "chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tiệm cận mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân".

Lê Bình