Vì mục tiêu có nguồn nhân lực chất lượng cao

- Thứ Ba, 24/08/2021, 22:03 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ngày 24.8, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, nhận thức xã hội nói chung, phụ huynh, học sinh nói riêng đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có sự thay đổi rất lớn, vào đại học giờ không còn là con đường duy nhất. Tư duy của các cơ sở GDNN cũng đã thay đổi, dạy những cái thị trường, người sử dụng lao động cần. Tuy vậy, để phát triển GDNN được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu thì còn nhiều việc phải làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Cần ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến chương trình công tác năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 8.2021, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó 409 trường cao đẳng (312 trường công lập), 442 trường trung cấp (211 trường công lập), 1.058 trung tâm GDNN (698 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở GDNN tư thục là 688 cơ sở (chiếm 36%). Cả nước có 491 Trung tâm GDNN - GDTX ở cấp huyện, ngoài ra còn có 71 Trung tâm GDTX ở cấp tỉnh.

Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có trường trung cấp, trường cao đẳng đóng trên địa bàn; đã thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; hình thành và phát triển được một số trường đặc thù để đào tạo cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trường đào tạo các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thủ công mỹ nghệ...).

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn

Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát mạng lưới cơ sở GDNN theo các điều kiện quy định, những cơ sở GDNN không đáp ứng các điều kiện theo quy định hoặc hoạt động không hiệu quả đã được các bộ, ngành, địa phương sắp xếp lại theo hướng sáp nhập hoặc giải thể. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa hiểu đúng quan điểm, mục tiêu, lộ trình thực hiện việc sáp nhập theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW. Một số địa phương thực hiện sáp nhập tất cả các cơ sở GDNN công lập trực thuộc thành 1 cơ sở GDNN ngay trong giai đoạn đến năm 2021; sáp nhập các cơ sở GDNN không cùng ngành nghề đào tạo; sáp nhập các cơ sở hoạt động hiệu quả, tự chủ tài chính tốt; sáp nhập cơ sở GDNN khi chưa có phương án tổ chức hoạt động hiệu quả.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tuyển sinh, đào tạo, đăng ký hoạt động GDNN theo hướng mở, linh hoạt; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh trực tuyến; tổ chức đào tạo trực tuyến, thực hiện “3 tại chỗ” ở một số trường, một số ngành/nghề bắt buộc phải thực hành, thực tập trực tiếp. Ước tuyển sinh 8 tháng năm 2021 đạt 41,9% kế hoạch năm (trong đó trình độ sơ cấp chiếm 90,4%), đào tạo thí điểm các chương trình chuyển giao từ Đức vẫn được duy trì.

Một số lĩnh vực ngành, nghề tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những ngành, nghề học nặng nhọc độc hại, ngành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao. Mặt khác, tuyển sinh đại học với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh đa dạng, dễ dàng đã thu hút một lực lượng lớn người học vào học đại học đã tạo áp lực cho cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh; một số cơ sở GDNN tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất thấp.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, một số lĩnh vực ngành, nghề tuyển sinh còn gặp khó khăn

Để đạt được các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có tuyển sinh 18,2 triệu người, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT; việc giảng dạy, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN theo quy định tại Khoản 4, Điều 33, Luật GDNN và Khoản 4, Điều 28, Luật Giáo dục. Bổ sung quy định về đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học đối tượng có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp đủ điều kiện liên thông đại học để thực hiện quy định tại Khoản 3, 4, Điều 34, Luật Giáo dục 2019.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển GDNN, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.

4 lưu ý về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ với những khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với việc thực hiện nhiệm vụ của GDNN thời gian qua; ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành nhằm hoàn thành các mục tiêu của năm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược, quy hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển GDNN năm 2022 cũng như thời gian tới, trên cơ sở báo cáo của Bộ và kết quả giám sát, Thường trực Ủy ban lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực GDNN; khẩn trương hoàn thiện Chiến lược, quy hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình ký ban hành. Thứ hai, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành nghề, trình độ và phân tầng chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn mới. 

Thứ ba, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tổ chức đào tạo; đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao. Thúc đẩy việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, nhất là việc xây dựng chuẩn đầu ra và các minh chứng cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc GDNN; đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng GDNN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo nghề nghiệp.

Thứ tư, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về GDNN; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, đặc biệt là cán bộ quản lý GDNN ở địa phương. Thực hiện đổi mới quản lý nhà nước và công tác quản trị các cơ sở GDNN công lập theo hướng mở rộng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; tạo cơ chế thuận lợi cho GDNN tư thục phát triển. Chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo, ngành nghề đào tạo mũi nhọn phục vụ cho hội nhập và phát triển đất nước...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, để đi đường dài, quan điểm, đường lối phát triển rất quan trọng; đồng thời phải dự báo được tình hình và có sự chuẩn bị cho dài hạn. Chẳng hạn, trong 10 - 20 năm tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công đóng vai trò như thế nào trên thị trường giáo dục nghề nghiệp? Có lẽ, cần xác định rằng, tài chính công nên dành cho các đối tượng yếu thế, khó khăn, không có điều kiện đi học nghề; hay những ngành nghề xã hội rất cần nhưng các tổ chức, cá nhân khác không làm, thì Nhà nước phải đầu tư để bảo đảm cung ứng nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước. Còn lại, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động GDNN, mục tiêu cuối cùng là có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức giám sát chuyên đề về công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học GDNN và các chính sách thu hút học sinh vào học GDNN tại các địa phương theo quy định của Luật GDNN (năm 2014) và Luật Giáo dục (năm 2019), góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học vào GDNN theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhật Linh