Việc thực hiện các quy tắc ứng xử có chuyển biến rõ rệt

- Thứ Tư, 09/12/2020, 10:48 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố khóa XV, chiều 8.12, HĐND Thành phố tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Nhiều kết quả khích lệ qua triển khai bộ quy tắc ứng xử 

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đi vào nề nếp. 100% các cơ quan thuộc UBND Thành phố đã thực hiện những nội dung hướng dẫn. Song song với nội dung triển khai quy tắc, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra công vụ và giải quyết TTHC gắn liền với thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan.

Đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai nghiêm túc, bài bản; có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế, lồng ghép vào nhiệm vụ của các ngành để đưa quy tắc ứng xử nơi công cộng đến gần hơn với người dân, đưa quy tắc vào cuộc sống.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn

Đặc biệt, Thành phố đã triển khai 3 mô hình điểm tại quận Long Biên với mô hình bộ phận một cửa giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyện nghiệp; quận Hoàn Kiếm với mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; Quận Hoàng Mai với mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung. Đến nay, 2/3 đơn vị được giao tổ chức mô hình điểm đã hoàn thành.

Tuy nhiên, do Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều tỉnh, thành, vùng miền của cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức người dân khác nhau, dân cư thường xuyên biến động nên việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội gặp khó khăn. Ngoài ra, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài nên thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cần có thời gian. Bên cạnh các đơn vị triển khai hiệu quả các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử còn có những đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai nghiêm túc các mô hình tuyên truyền theo hướng dẫn.

 

Cách cách hành chính đi vào thực chất, hiệu quả

ĐB Duy Hoàng Dương (tổ ĐB Hoài Đức) quan tâm việc triển khai công tác cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP. Chỉ số PAPI, SIPAS còn thấp, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính còn thấp. ĐB đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các biện pháp khắc phục.

ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi: Qua phản ánh của cử tri, thời gian qua hiện tượng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè bán hàng rong vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông. Đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi TP ban hành hai bộ quy tắc ứng xử năm 2017, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, cơ quan thường trực về đoàn kiểm tra công vụ của TP, Sở  đã tham mưu UBND TP cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó có tập trung một số nội dung liên quan đến thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử.

Trong đó, thực hiện quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công với công dân, tổ chức theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư, việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong thực thi công vụ quyền hạn của công chức, viên chức và người lao động, việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, chấp hành giờ làm việc của người lao động, việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị, việc định kỳ đánh giá xếp loại hàng tháng của công chức, viên chức và người lao động…

Kết quả, trong 3 năm từ năm 2018 đến nay, Sở đã kiểm tra công vụ đột xuất với 124 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 9 sở, 10 đơn vị thuộc sở, 7 UBND cấp huyện, 91 UBND cấp xã…

Sở cũng dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Qua kết quả kiểm tra, từ khi có ban hành bộ quy tắc ứng xử và sau khi thực hiện kết quả 1 năm, đến năm 2018, qua kết quả kiểm tra có thể thấy đã có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về quy tắc ứng xử.

Công tác tiếp dân được cơ bản quan tâm, việc giải quyết hồ sơ hành chính đã có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, đối với các hồ sơ chậm muộn đã thực hiện nghiêm việc ban hành thư xin lỗi với tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn qua các năm được nâng lên, năm 2017 đạt tỷ lệ 95%, năm 2018 là 97,3%, và năm 2019 là 98,8%, 10 tháng năm 2020 là 99,8%.

Về kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đã được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là chỉ số cải cách hành chính của TP, năm 2015 TP đứng thứ 9 về chỉ số cải cách hành chính, năm 2016 đứng thứ 3 và từ 2017 đến nay, thứ hạng cải cách hành chính của TP đều duy trì ở vị trí đứng thứ 2/63 tỉnh thành.

"Như vậy rõ ràng khi ban hành bộ quy tắc ứng xử thì việc triển khai và thực hiện của cán bộ công chức và sở ngành đã có chuyển biến rõ rệt và được thể hiện rõ bằng chỉ số cải cách hành chính của TP là đều duy trì thứ hạng thứ 2/63 tỉnh, thành", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

P.Long (Huỳnh Phi Long)