Cà phê phin

Viết, đọc và sống

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:28 - Chia sẻ
Được khai sáng với điều ông viết: “Đời người có ba tầng lầu: tầng thứ nhất là cuộc sống vật chất, tầng thứ hai là cuộc sống tinh thần, tầng thứ ba là cuộc sống tâm hồn”, tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng, đó cũng chính là những giá trị mà mình theo đuổi bấy lâu nay trong cuộc sống này...

Viết, với tôi là một cách giãi bày tốt nhất, là cách mà tôi đạt đến sự tập trung cao nhất và chân thành nhất về mặt ngôn ngữ, điều mà khi nói, hiếm khi tôi đạt được sự trung thực nhất với cảm xúc của mình. 

Và khi viết, như một sự giãi bày, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn để bước vào năm mới với một tâm thế bình an, dù vẫn còn vương lại không ít nỗi buồn. 

Vài năm trước, trong một bài viết lấy cảm hứng từ bộ phim “Things to come” của Pháp mà tôi vô cùng yêu thích, có những dòng này mà khi đọc lại, tôi có cảm giác như là lời ứng nghiệm cho một năm vừa qua của tôi: Trong cuộc sống này, bất cứ ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải đối mặt với những điều không mời mà đến, những mất mát mà chúng ta phải đối mặt. Nhưng nếu ta biết được quy luật của cuộc sống, sự hữu hạn của vòng đời, sự ngắn hạn của hạnh phúc, ta sẽ chấp nhận nó nhẹ nhàng hơn, bình thản hơn, và biết đâu là cả niềm vui trong đó. Một phần lớn, tôi tin rằng, là phụ thuộc vào ai có được "sự đủ đầy về mặt trí tuệ".

Tôi chắc chắn chưa đạt đến “sự đủ đầy về mặt trí tuệ” rồi. Trong một năm nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhiều sai lầm và ngộ nhận, tôi nhận ra mình vẫn còn nhiều thiếu hụt về mặt cảm xúc và trí tuệ khi ứng xử với những “things to come” xảy đến một cách đột ngột. Nhưng qua những sai lầm vấp váp đó, tôi thấy mình học được nhiều bài học lớn, bài học về sự “tỉnh thức”.

Nguồn: ITN

Trong loạt phim "Guide to Meditation", mini-series về thiền định, người chủ biên là Andy Puddicombe có hướng dẫn một kỹ thuật thiền định lâu đời nhất, đó là “tỉnh thức ngơi nghỉ”. Mỗi tập phim, ông đều hướng dẫn một kỹ thuật để ta áp dụng thực hành vào thiền định. Tất cả các kỹ thuật trước đó là để chuẩn bị cho kỹ thuật này, để ta đủ sẵn sàng mà thiền định, không cần tập trung vào bất cứ gì. Và khi có thể làm như vậy, ta có thể mở mang trạng thái đó vào cuộc sống của ta, để có thể đạt được tiềm năng vô hạn của ta. 

Kỹ thuật thiền định “tỉnh thức ngơi nghỉ” là cho tâm trí ta nghỉ ngơi trong khi thức tỉnh, cứ mặc cho tất cả, như suy nghĩ, cảm xúc, sự náo động, âm thanh ngoại tại và thảy mọi điều khác cứ đến và đi.

Đó cũng là một kỹ thuật khó nhất trong thiền định, và tôi vẫn phải học mỗi ngày. 

Một bài học lớn nữa mà tôi học được là từ sách vở, từ những bậc thánh hiền ngày xưa.

Trong những ngày đầu năm, tôi dành thời gian đọc hai cuốn tạp bút tuyệt vời là "Đồ nhiên thảo" (có nghĩa là “Buồn buồn phóng bút”) của Urabe Kenko, một bậc ẩn sĩ sống ở thế kỷ XIII. Đây được xem là một trong “song bích tùy bút”, “tam đại tùy bút” của Nhật Bản. Cuốn tạp bút thứ hai là “Sống vốn đơn thuần” của Phong Tử Khải, nhà tản văn, họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, người từng được nhà thơ, triết gia Ấn Độ Tagore đánh giá là "đạt đến những cảnh giới thể hiện nghệ thuật của một bậc cao chính". 

Trong bài “Đừng trông cậy vào cái gì hết” rút từ tập "Đồ nhiên thảo", tác giả Urabe Kenko viết rằng: "Không nên dựa vào lòng ưu ái của người khác vì tình cảm của họ nhất định thay đổi. Đừng trông cậy vào lời hứa hẹn vì mấy ai ở đời giữ tròn tín nghĩa.

Không dựa vào mình và cũng chẳng dựa vào người, ta sẽ vui lúc thuận buồm xuôi gió và chẳng hề tiếc hận khi đối mặt nghịch cảnh. Ta không bị trói buộc vào gì cả, dang tay hai bên tả hữu là có thể co duỗi mặc lòng. Vì không có gì chắn sát trước mặt sau lưng ta, ta không cảm thấy tù túng. Ngược lại, nếu xung quanh chật hẹp thì ta sẽ bị chèn ép bẹp nát. Cứ như thế, khi tâm hồn ta thiếu sự rộng lượng và mềm dẻo thì không sao tránh nổi sự đụng chạm, cãi vã với người khác đến thiệt thân. 

Những ai biết sống bao dung và mềm dẻo thì sẽ không bao giờ gặp chuyện nguy hiểm, chẳng "rụng lấy một sợi lông chân". Con người ta là sinh vật linh thiêng nhất tồn tại trong khoảng trời đất. Cõi trời đất vốn vô biên, cho nên bản tính con người cũng phải rộng rãi khoáng đạt (mới được). Khi lòng ta khoan dung, bao la vô hạn thì hỉ nộ trong người sẽ không thể làm tổn thương ta và tha nhân cũng không thể nào khiến ta phiền não”. 

Còn từ cuốn tạp văn của Phong Tử Khai, tác giả của những câu chuyện đôi khi vụn vặt nhỏ bé nhưng khi “ngòi bút ông chạm vào đều thấm được một nét phong vận kỳ diệu”, như lời nhận xét của nhà văn Nhật Bản Tanizaki Junichiro, tôi đọc và học được rất nhiều bài học lớn để khám phá lại thế giới bên trong mình, những giá trị mà mình hướng đến trong cuộc đời này. 

Trong bài tạp bút "Sức sống", từ chuyện cây hoa thủy tiên, Phong Tử Khải đã bàn sang chuyện con người như thế này: "Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn gì cũng có ngày ngẩng cao đầu. Việc cá nhân là vậy, việc quốc gia, dân tộc cũng là như thế".

Và ở chương cuối, “Sống mà học nghệ thuật”, tôi được khai sáng với điều ông viết: “Đời người có ba tầng lầu: tầng thứ nhất là cuộc sống vật chất, tầng thứ hai là cuộc sống tinh thần, tầng thứ ba là cuộc sống tâm hồn”. Bởi tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng, đó cũng chính là những giá trị mà mình theo đuổi bấy lâu nay trong cuộc sống này. 

Chỉ có đọc và xem, một thói quen không ngưng nghỉ của tôi trong hơn 20 năm làm nghề, tôi mới liên tục được tiếp nhận những giá trị xưa cũ mà vẫn sâu sắc trong cuộc sống như vậy. Và tôi cũng tin chắc một điều rằng, chỉ có viết, tôi mới thực sự giãi bày được hết những suy tưởng và cảm xúc của mình. 

Và viết, tôi mới được là chính mình!

Bảo Khánh