Việt Nam được Quỹ Môi trường Toàn cầu phê duyệt hỗ trợ dự án

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 14:30 - Chia sẻ
Tám quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các dự án được thiết kế để hỗ trợ khả năng chống chịu với khí hậu và đa dạng sinh học, cũng như chống lại suy thoái đất và khai thác thủy sản không bền vững.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) hoan nghênh Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đã phê duyệt 5 dự án do FAO chủ trì thực hiện tại 8 quốc gia, với tổng kinh phí hơn 46,6 triệu USD. Quyết định được đưa ra trong Cuộc họp Hội đồng GEF lần thứ 60 và Cuộc họp Hội đồng Quỹ dành cho các nước kém phát triển lần thứ 30.

Các dự án nói trên sẽ giải quyết những thách thức môi trường quan trọng – ví dụ như suy thoái đất, mất đa dạng sinh học, khai thác thủy sản không bền vững và biến đổi khí hậu – hiện đang đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm nghìn người ở Châu Á và Châu Phi.

Các dự án sẽ được thực hiện với sự hợp tác và đồng tài trợ của chính phủ các nước Campuchia, Cameroon, Eritrea, Lesotho, Malaysia, Senegal, Thái Lan và Việt Nam.

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (QU Dongyu) cho biết: "Các dự án được đặc biệt hoan nghênh sau khi công bố Thập kỷ của Liên Hợp Quốc về phục hồi hệ sinh thái. Điều quan trọng là phải hành động ngay bây giờ để phục hồi các hệ thống tự nhiên trên các nguồn tài nguyên đất và nước mà chúng ta dựa vào để đạt được mục tiêu sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn".

Các dự án được GEF phê duyệt lần này sẽ hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng áp dụng các thực hành bền vững hơn và thích ứng với khí hậu, thúc đẩy hợp tác khu vực và ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn để bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).

Các dự án nói trên sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 441.500 người và phục hồi hơn 27.000ha cảnh quan đã bị suy thoái. Các dự án này cũng sẽ lập ra 30.000ha khu bảo tồn mới trên đất liền và trên biển, đồng thời cải thiện việc quản lý hơn 765.000ha cảnh quan và 4 triệu ha sinh cảnh biển.

Hoạt động của các dự án được thiết kế nhằm giảm thiểu 6,8 triệu tấn phát thải khí nhà kính và chuyển đổi 547.393 tấn nguồn lợi thủy sản hiện đang bị khai thác quá mức sang các hình thức bền vững hơn.

Trong số các dự án do FAO chủ trì có một dự án khu vực được triển khai ở Vịnh Thái Lan nhằm khuyến khích quản lý nghề cá bền vững tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Thông qua áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đối với nghề cá và tăng cường quản trị nghề cá, dự án này sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học biển và giảm thiểu việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, đồng thời hỗ trợ sinh kế bền vững cho ngư dân.

Bốn dự án khác được phê duyệt cho khu vực Châu Phi sẽ giải quyết các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và suy thoái đất nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp để cải thiện sinh kế nông thôn.

Kể từ tháng 12.2018, FAO đã huy động được hơn 550 triệu USD tài trợ không hoàn lại của GEF cho các nước thành viên, bao gồm các dự án mới nhất kể trên, đưa FAO trở thành một trong bốn cơ quan hàng đầu được GEF tài trợ trên toàn cầu.

Danh Sam