2024 - năm “siêu bầu cử” định hình tương lai

- Thứ Tư, 07/02/2024, 14:14 - Chia sẻ

2024 được gọi là năm "siêu bầu cử" khi có tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử lớn trong năm, trải dài trên tất cả các châu lục. Những cuộc bầu cử có thể dẫn tới sự thay đổi nhà lãnh đạo, với quan điểm, tư duy hoàn toàn khác biệt. Kết quả của các cuộc bầu cử này không chỉ tác động sâu rộng tới tương lai của bản thân các quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn có thể ảnh hưởng cục diện địa chính trị toàn cầu.

1. Trận tái đấu giữa ông Trump và Biden

Một trong những cuộc bầu cử được theo dõi và mang lại tác động lớn nhất đối với thế giới sẽ là cuộc đua vào ghế Tổng thống ở Hoa Kỳ, với khả năng cao sẽ là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden - người tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai và cựu Tổng thống Donald Trump, người đã từ chối thừa nhận thất bại của mình vào năm 2020. Chiến thắng của một trong hai nhân vật với hai quan điểm về chính sách hoàn toàn trái ngược nhau sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của nền dân chủ Mỹ, vốn đã bị xói mòn bởi sự phân cực đảng phái, thông tin sai lệch và các cuộc tấn công vào tính liêm chính của hệ thống bầu cử.

Tuy nhiên, do diễn ra vào tháng 11.2024, nên kết quả của cuộc bầu cử sẽ có tác động nhiều hơn trong năm 2025. Thay vào đó, những chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm cuối của nhiệm kỳ sẽ có nhiều tác động thực chất tới tình hình thế giới hơn là những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của cả hai Đảng. Duy trì viện trợ cả hai cuộc xung đột cùng một lúc sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách của Mỹ, thêm vào đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ nhận lại những phản ứng gay gắt từ dư luận và người dân Mỹ. Do đó, tìm ra giải pháp hòa bình, chấm dứt ít nhất 1 trong 2 cuộc xung đột sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden trong năm 2024.

2. Cuộc bầu cử tại quốc gia đông dân nhất thế giới

Một cuộc bầu cử quan trọng khác sẽ diễn ra ở Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, và là quốc gia mới giữ ngôi vị quốc gia đông dân nhất thế giới. Tại đây, Thủ tướng Narendra Modi, người được ca ngợi là đã mang lại tăng trưởng kinh tế, chống tham nhũng và tạo dựng cho Ấn Độ một vị thế chính trị đáng kể trên trường quốc tế, sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba. Cuộc bầu cử ở Ấn Độ năm 2024 sẽ quyết định liệu ông Modi có thể củng cố quyền lực và chương trình nghị sự của mình hay không, hay liệu các đảng đối lập có thể đưa ra thách thức hiệu quả và đưa ra tầm nhìn thay thế cho đất nước hay không.

3. Tổng thống Putin có thể có nhiệm kỳ thứ 5

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận sẽ tham gia tranh cử vào năm tới, động thái có thể giúp ông tiếp tục nắm quyền ít nhất là đến năm 2030. Cho đến nay, chưa xuất hiện đối thủ nào thực sự nặng ký để đủ sức đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông, trong khi tỷ lệ ủng hộ của công chúng lên đến hơn 80%.

Ông Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ năm 2000 - 2008. Trong khoảng thời gian từ 2008 - 2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng Nga. Sau đó, ông Putin thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong năm 2012 và nhiệm kỳ thứ 4 năm 2018. Theo hiến pháp sửa đổi của Nga sau trưng cầu ý dân năm 2020, ông Putin hoàn toàn có thể tranh cử thêm hai nhiệm kỳ trong năm 2024 và 2030.

4. Bầu cử Nghị viện châu Âu

Cuộc bầu cử đa quốc gia lớn nhất thế giới diễn sẽ diễn ra vào tháng 6.2024 với hơn 400 triệu cử tri đủ điều kiện từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) để chọn ra 720 thành viên Nghị viện châu Âu. Đây sẽ là cuộc bầu cử Nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên vào năm 1979 và là cuộc bầu cử Nghị viện đầu tiên sau Brexit. Cuộc bỏ phiếu sẽ là phép thử về sự ủng hộ dành cho những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu vốn giành được chiến thắng trong một số cuộc bầu cử 2 năm trở lại đây. EPP nói riêng đã khiến nhiều người phải nhướng mày nhờ những nỗ lực thu hút các đảng trong ECR nhằm tạo ra một khối bảo thủ rộng rãi, điều có thể làm đảo lộn sự cân bằng lâu dài vốn đã chứng kiến EPP chia sẻ quyền lực với phe trung tả S&D và Tập đoàn Renew theo chủ nghĩa trung dung.

Trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014, một hệ thống không chính thức mới đã được công bố để lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Hệ thống có tên là Spitzenkandidat (tiếng Đức có nghĩa là ứng cử viên của đảng) quy định rằng bất kỳ nhóm đảng nào giành được nhiều ghế nhất thì ứng cử viên của nhóm đảng đó sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu, mà không yêu cầu ứng cử viên đó phải là một thành viên của Nghị viện. Năm 2014, ứng cử viên của nhóm đảng giành số ghế lớn nhất, Jean-Claude Juncker, cuối cùng đã được đề cử và bầu làm Chủ tịch Ủy ban.

Vào năm 2019, các nhà lãnh đạo các đảng châu Âu đã không áp dụng lại hệ thống này. Thay vào đó, họ lựa chọn các ứng cử viên của đảng và tổ chức một cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên đó. Sau cuộc bầu cử, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen được chọn làm Chủ tịch Ủy ban, mặc dù bà chưa từng là ứng cử viên Nghị viện, trong khi Manfred Weber, ứng cử viên chính của EPP, đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử, lại thất bại.

Sau khi hệ thống Spitzenkandidat không được áp dụng vào năm 2019, một số người đã kêu gọi khôi phục hệ thống này trong cuộc bầu cử 2024 sắp tới. Nếu hệ thống Spitzenkandidat được tái áp dụng vào năm 2024, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đương nhiệm Ursula von der Leyen có thể phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để giành được nhiệm kỳ thứ hai vì điều này tạo cơ hội cho Manfred Weber, lãnh đạo EPP trong Nghị viện châu Âu đề xuất các ứng cử viên thay thế, chẳng hạn như Roberta Metsola, hoặc yêu cầu bà von der Leyen tranh cử vào Nghị viện để đảm bảo sự ủng hộ của đảng đối với bà. Tuy nhiên, tính đến tháng 12.2023, bà Ursula von der Leyen vẫn chưa thông báo liệu bà có nhắm tới nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban thứ hai hay không.

5. Bầu cử Tổng thống ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới

Cuộc bầu cử ở Indonesia, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới và là một cường quốc kinh tế đang lên, sẽ là một phép thử về khả năng phục hồi dân chủ và vai trò của nước này ở Đông Nam Á. Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, người giữ chức tổng thống từ năm 2014, sẽ từ chức khi đạt đến giới hạn nhiệm kỳ. Di sản của ông có thể được tiếp nối thông qua việc ứng cử của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người có phó tổng thống đồng hành cùng ông là Gibran Rakabuming Raka, con trai cả của Tổng thống Widodo. Indonesia, với tất cả sức mạnh ngày càng tăng của mình là một nền dân chủ còn rất non trẻ và do đó tương đối chưa bị thử thách, và nước này sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng cho người kế nhiệm Joko Widodo trong một cuộc bầu cử vốn đã gây tranh cãi ở mọi phía.

Tác động của những cuộc bầu cử trên đối với địa chính trị, kinh tế và xã hội sẽ rất lớn, có khả năng định hình các chính sách và ưu tiên của một số nền kinh tế lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới. Các liên minh, hiệp định thương mại và liên doanh đều phụ thuộc vào kết quả của các cuộc bầu cử này.

Một số cuộc bầu cử quan trọng:

Tháng 1: Phần Lan, Bhutan, Bangladesh và Đài Loan (Trung Quốc)

Tháng 2: Pakistan, Indonesia

Tháng 3: Nga, Iran

Tháng 4: Ấn Độ

Tháng 5: Nam Phi

Tháng 6: 24 nước EU bầu Nghị viện châu Âu, Mexico

Tháng 9: Maldives và Sri Lanka

Tháng 11: Bầu cử Tổng thống Mỹ

Quốc Đạt
#