Việt Nam–Australia: Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo

- Thứ Năm, 23/11/2017, 12:44 - Chia sẻ
Ngày 22.11, với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH và CN, Câu lạc bộ Nhà báo KH và CN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Australia".

Tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Ban quản lý khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh cho biết, hoạt động nghiên cứu triển khai cơ bản biến từ tiền thành tri thức, còn hoạt động đổi mới sáng tạo cơ bản biến từ tri thức thành tiền. Vì vậy, để biến các kết quả nghiên cứu, tiếp cận được thị trường và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm trong tình hình mới, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Australia sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới.


Tiến sĩ Kelly Strzepek phát biểu tại tọa đàm
Chia sẻ với các nhà báo, đại diện về đổi mới và sáng tạo của Đại sứ quán Australia, tiến sỹ Kelly Strazepek khẳng định sự quan trọng của truyền thông khoa học trong việc truyền tải kiến thức khoa học đến với đại chúng, qua đó giới thiệu mối quan hệ giữa khoa học, truyền thông và chính trị. Tiến sỹ Strazepek nhấn mạnh sự quan trọng của hệ thống truyền thông, bao gồm báo chí truyền thống và các phương tiện mạng xã hội trong quá trình diễn giải các công trình nghiên cứu khoa học, các công nghệ mới nhất hiện nay thành ngôn ngữ đại chúng nhằm hướng tới nhiều đối tượng độc giả. Theo Tiến sỹ Strazepek, ngôn ngữ diễn giải khoa học được đơn giản hóa sẽ giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận hơn, xã hội sẽ trở nên tiến bộ , kịp thời bắt kịp với sự thay đổi do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.
 

Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc,Tiến sĩ Kelly Strzepek chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà báo
Đối với vấn đề đổi mới sáng tạo, tiến sỹ Srazepek cho rằng, tư duy đổi mới sáng tạo kết hợp với sự đầu tư đúng đắn sẽ giúp tạo ra tri thức. Trong quá trình chuyển giao, tri thức sẽ trở thành các ứng dụng, công nghệ mang lại sự đột phá trong xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ tạo ra lợi nhuận, của cải cho xã hội. Bên cạnh đó, bà cũng đặc biệt nhấn mạnh về sự thay thế của khoa học công nghệ đối với các kinh nghiệm truyền thống vốn có, với quan điểm về sự thay đổi của thế giới sẽ khiến cho các phương thức truyền thống lâu đời sẽ trở nên lạc hậu, không kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội và sẽ bị thay thế bởi các phương pháp dựa trên nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ cho phép các ngành quan trọng của Việt Nam như nông nghiệp và sản xuất chế tạo có thể hiện đại hóa và nắm được lợi ích kinh tế.

Tin và ảnh: Lan Chi