Chương trình nông thôn mới ở Long An

Viết tiếp hành trình bứt phá

- Thứ Năm, 16/12/2021, 05:57 - Chia sẻ
Hành trình hơn 13 năm triển khai Nghị quyết 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đã giúp lĩnh vực “tam nông” của Long An có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sản xuất còn nhỏ, lẻ, thiếu tính liên kết, đầu ra nông sản chưa ổn định, số lượng nông sản được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân còn rất ít... đang là rào cản cho sự phát triển nông nghiệp tại Long An. Điều đó đòi hỏi, cần có chiến lược tổng thể để Long An tiếp tục hành trình bứt phá, tạo được sức bật mới, giúp nông thôn Long An thay đổi toàn diện.

Băn khoăn đầu ra cho nông sản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 ước khoảng 2,07%; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với khoảng 300.000ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Long An còn có sản lượng lớn về rau 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn. Về chăn nuôi, Long An có khoảng 9 triệu con gia cầm, lợn 85.000 con và hơn 40 cơ sở giết mổ. Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó, tôm nước lợ 15.000 tấn...

Mặc dù vậy, thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn. Ông Lê Thành Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức chia sẻ, hiện nay, diện tích trồng chanh của tỉnh hơn 7.100ha, trong đó, 1.200ha ứng dụng công nghệ cao; sản lượng chanh khoảng 70.000 tấn/năm. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chanh đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mô hình liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã được tỉnh triển khai từ lâu nhưng vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ, nhất là về điện, giao thông, thủy lợi…  

Không ngừng nâng cao chất lượng

Là doanh nghiệp quan tâm tới các sản phẩm OCOP của Long An, Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của Sài Gòn Co-op Phạm Thị Thanh Tuyền tham mưu rằng, cần phát triển sản phẩm OCOP đến nhiều vùng miền, trở thành đặc trưng, thế mạnh, mũi nhọn trong cả tiêu thụ lẫn xuất khẩu. Về quy trình canh tác, doanh nghiệp mong muốn sự đồng hành từ các sở, ban, ngành để người dân có kỹ thuật chăm sóc, hồ sơ giấy tờ theo đúng tiêu chuẩn, giảm thiểu chi phí thủ tục. 

Với Tổng Công ty Vina T&T - công ty đã liên kết phân phối sản phẩm chanh không hạt của Long An được 5 - 6 năm, xuất khẩu thanh long đỏ vào Mỹ, Australia, Canada… và đã có thị phần nhất định tại các thị trường này; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, tỉnh Long An cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Mỹ; hình thành thêm nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. 

"Vina T&T sẽ trở thành cánh tay nối dài đưa nông sản Long An đến nhiều thị trường trên thế giới. Trước mắt, đặt mục tiêu đưa nông sản tới sâu hơn vào trung tâm nước Mỹ bằng cách nâng cao chất lượng nông sản, và các kỹ thuật bảo quản" - ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu, rộng, tạo sự nhất quán trong thực hiện các các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Song song với đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung thực hiện trên các ngành hàng chính như gạo, thanh long, rau, chanh…; đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ cao vào phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi thủy sản, nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản...

Ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng nông sản, hàng hóa 

Nguồn: ITN 

Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã 

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ; với hạn mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án. Thứ hai, hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản để xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Thứ ba, hỗ trợ 70% chi phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con trở lên để xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án. Thứ tư, doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao quy mô tối thiểu 5ha trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Thứ năm, hỗ trợ 60% chi phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom, xử lý chất thải làng nghề, nông thôn để mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án…

Tuy nhiên, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ được hưởng 1 trong 5 nội dung hỗ trợ đầu tiên nêu trên nếu bảo đảm các điều kiện như hoạt động có hiệu quả 2 năm liên tiếp trước thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận. Trang thiết bị, công nghệ phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg về ban hành Chương trình quốc gia về Phát triển công nghệ cao đến năm 2030 và các quy định khác do Trung ương ban hành.

Thảo Mộc