Vĩnh Long đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử

- Thứ Hai, 01/03/2021, 11:07 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Vĩnh Long đặt ra là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Phấn đấu năm 2023 có 90% hồ sơ tại cấp tỉnh được giải quyết trên môi trường mạng

Giảm bớt thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng; phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Long cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số.

Hệ thống một cửa điện tử cấp xã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân. Trong ảnh: Hệ thống một cửa điện tử tại UBND Phường 1 (TP Vĩnh Long). Nguồn: baovinhlong.vn

Theo đó, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2023 có 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% thủ tục hành chính của tỉnh được công bố qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thực hiện tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã. Các cơ sở dữ liệu dùng chung về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm … được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời.

Ngoài ra, trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến hết năm 2021, tỉnh Vĩnh Long cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

1.851 dịch vụ công trực tuyến được đăng tải trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Tính đến nay, ứng dụng, dịch vụ phục vụ nội bộ phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản Quốc gia. Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Cổng dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng tải 1.851 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 432 dịch vụ công mức độ 4; 505 dịch vụ công mức độ 3 và 914 dịch vụ công đạt mức độ 2.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công tích hợp một cửa điện tử, tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; tăng số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tỉnh phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ công; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để triển khai hạ tầng, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông, quản lý, dạy - học, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin về đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tấn công mạng, giám sát, cảnh báo, ứng cứu sự cố tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Long đang thí điểm cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh như: Hệ thống chỉ đạo điều hành; giám sát an toàn thông tin mạng; họp thông minh, họp trực tuyến; tổng hợp chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; thu thập thông tin báo chí và mạng xã hội; giám sát camera tại một số điểm trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long đã có 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được triển khai mạng diện rộng của tỉnh; hệ thống tường lửa (firewall) đảm bảo an toàn thông tin được triển khai cho 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh từng bước hình thành tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử.

Lê Hùng