Vốn FDI tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:30 - Chia sẻ
Đến ngày 20.9, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tại tọa đàm trực tuyến "Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27.9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Vốn FDI vào Việt Nam tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư và những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời.

Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho:

Sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất

Mặc dù trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.

	Toàn cảnh tọa đàm Ảnh: Q.Khánh
Toàn cảnh tọa đàm
Ảnh: Q.Khánh

Không chỉ với Samsung mà với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: 

Chủ động tìm đến nhà đầu tư

9 tháng  năm 2021, trị giá sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 11,3% thể hiện bước đi vững chắc; thu hút FDI trên 650 triệu USD, gấp 1,5 lần năm 2020. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh, dự kiến thu hút FDI năm nay của tỉnh đạt trên 2 tỷ USD. Những khó khăn, thách thức chỉ là tạm thời và Bắc Ninh đang chuyển hóa thách thức thành nhìn nhận và hành động sao cho vừa chống dịch an toàn, quyết liệt nhưng cần sáng tạo và linh hoạt. Từ đó, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư để Bắc Ninh là điểm đến an toàn.

Thời gian tới, tỉnh xác định kiên trì định hướng thu hút đầu tư với các nhà đầu tư lớn. Các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực tốt nhất và rút ngắn 2/3 hoặc ít nhất 50% các thủ tục cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh thay đổi phương thức thay vì nhà đầu tư tìm đến mình thì Bắc Ninh chủ động tìm đến nhà đầu tư, nhất là những lĩnh vực thế mạnh địa phương như công nghiệp điện tử, bán dẫn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng

Luôn đồng hành với doanh nghiệp

Đồng Nai thu hút đầu tư FDI hơn 30 năm, đến nay có 1.559 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32,3 tỷ USD. Trong gần 9 tháng năm 2021, dù dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn thu hút đầu tư FDI được hơn 957 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh giải quyết việc làm cho gần 613.000 lao động.

Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19, tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp khôi phục sản xuất an toàn. Hiện nay, tỉnh đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tháo gỡ dần khó khăn cho các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”. Đồng Nai cho phép doanh nghiệp chọn thời gian quay lại sản xuất khi an toàn, chủ động xây dựng phương án sản xuất, tự xét nghiệm Covid-19 hoặc tỉnh hỗ trợ xét nghiệm với mức giá hợp lý. Khi doanh nghiệp có F0, chính quyền sẽ cùng doanh nghiệp xử lý...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:

Doanh nghiệp phải bảo đảm “5 xanh

Bộ Y tế đang lấy ý kiến để sớm hoàn thiện hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19”. Theo đó, để sản xuất trở lại trong tình hình mới, dự kiến doanh nghiệp phải bảo đảm "5 xanh" gồm: Địa bàn xanh, doanh nghiệp xanh, nơi ở công nhân xanh, vận chuyển công nhân đến nơi làm việc xanh, công nhân xanh - tiêm đầy đủ vaccine hoặc nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

Như vậy, các địa phương cần rà soát lại các kế hoạch, phương án đã xây dựng trước đây và bổ sung cho phù hợp với thực tế; đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp nhanh chóng củng cố phòng y tế tại doanh nghiệp. Bộ Y tế đang thực hiện thí điểm việc doanh nghiệp chủ động xét nghiệm và cam kết kết quả xét nghiệm. Khi phát hiện F0, phòng y tế của doanh nghiệp phối hợp y tế địa phương khoanh vùng hẹp nhất để vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa nhanh chóng hoạt động trở lại.

	Nguồn: NLD
Nguồn: NLD

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc:

Chính phủ nhất quán tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI

9 tháng năm nay cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư. Khu vực FDI phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

Đại dịch Covid-19 tác động hết sức tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trước thách thức đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19.

Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ.

Q.Khánh