Vốn khuyến công gia cố sức cạnh tranh cho gốm Bàu Trúc

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:32 - Chia sẻ
Với nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương Ninh Thuận đã hỗ trợ 2 cơ sở sản xuất ở làng gốm Bàu Trúc đầu tư lò nung gốm Thanh Hà (Quảng Nam) nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm - khâu yếu nhất của gốm Bàu Trúc, từ đó lan tỏa ra cả làng nghề…

Gia cố sức cạnh tranh

Làng nghề làm gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) được biết đến với những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Làng có 553 hộ dân thì 400 hộ làm gốm nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng chủng loại. Trước thực tiễn đó, Sở Công thương Ninh Thuận đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho 2 cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề Bàu Trúc đầu tư lò nung gốm Thanh Hà (Quảng Nam) nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm - khâu yếu nhất của gốm Bàu Trúc.

		Vốn khuyến công giúp gốm Bàu Trúc gia tăng sức cạnh tranh
Vốn khuyến công giúp gốm Bàu Trúc gia tăng sức cạnh tranh

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, dự án sau khi hoàn thành đã lan tỏa lợi ích thực tế cho các cơ sở gốm, nâng cao nhận thức và nhân rộng cách nung gốm bằng lò nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm. 100% sản phẩm gốm chín đồng đều, không có sản phẩm hư hỏng do nứt, bể. Tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng giảm đáng kể do nhiệt độ nung đạt trên 900o C và có thể nâng thêm nhiệt độ nung theo yêu cầu nhằm bảo đảm độ chín của gốm.

Tháng 9 năm nay, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Cục Công thương tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ngói màu không nung tự động cho Công ty TNHH MTV Mỹ Viên. Theo đó, để thực hiện các công đoạn phối trộn sản phẩm, đưa vào máy ép, phủ sơn tự động, Công ty đã đầu tư một dây chuyền sản xuất công suất trên 1,8 triệu viên/năm với tổng đầu tư gần 8 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 800 triệu đồng. Theo Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Viên Nguyễn Kỳ Phong, đây là mô hình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương.

Trước đó, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, năm 2015, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận (Trung tâm) đã hỗ trợ Công ty CP May Tân Tiến Ninh Thuận mở 4 lớp đào tạo may công nghiệp cho133 học viên với kinh phí 795,8 triệu đồng, trong đó vốn khuyến công quốc gia 195,8 triệu đồng. Sau đó, Công ty May Tân Tiến Ninh Thuận đã sử dụng 103 lao động với mức thu nhập ổn định.

Tính chung giai đoạn 2014 - 2020, khuyến công Ninh Thuận đã 74 đề án với tổng kinh phí là 27,7 tỷ đồng. Vốn khuyến công đã góp phần khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh xác định được hướng đầu tư đúng đắn, hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời giúp các cơ sở mạnh dạn đầu tư, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Rút ngắn thời gian phê duyệt đề án

Tại hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020, đại diện Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận bộc bạch, là tỉnh còn khó khăn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển nên nhu cầu và nguyện vọng được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công rất lớn. Tuy nhiên, kinh phí dành cho hoạt động khuyến công địa phương quá thấp và đối tượng thụ hưởng phần lớn là hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến công đã được bổ sung, sửa đổi nhưng còn có điểm chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Ví dụ, thời gian phê duyệt đề án từ lúc thu thập thông tin đến khi phê duyệt còn kéo dài (từ tháng 6 năm trước đến đầu năm sau), trong khi máy móc và thiết bị của doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật và thay đổi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và tính khả thi của đề án. Vấn đề này Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương ưu tiên xem xét giải quyết.

Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương Ninh Thuận đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo lao động thành nghề cho khoảng 700 - 800 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 5 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 40 - 60 cơ sở; hỗ trợ 6 - 10 cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng mô hình thí điểm áp dụng sản xuất hơn trong công nghiệp…

Theo Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận Phạm Đăng Thành, để thực hiện tốt kế hoạch khuyến công, cần rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cùng với đó phải xây dựng quy chế phối hợp giữa khuyến công, xúc tiến thương mại và khuyến nông nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển trong quan hệ gắn bó đồng bộ với nhau. Đề cập tới thực tế phần lớn cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, năng lực tài chính còn thấp, ông Thành cho rằng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho những đối tượng này để phát triển ổn định.

Hạnh Nhung