Đồng Nai

Vừa phòng dịch, vừa ổn định sản xuất

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:01 - Chia sẻ
Để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì chuỗi sản xuất nhằm bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài chuẩn bị tốt các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã sắp xếp lại các khâu sản xuất, xếp lại ca, kíp làm việc, đầu tư trang thiết bị y tế; đồng thời, siết chặt các biện pháp phòng dịch cao hơn tại nơi làm việc.

Doanh nghiệp nỗ lực phòng ngừa dịch

Triển khai văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Đồng Nai, từ 0 giờ ngày 22.7, doanh nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thành phố gồm Biên Hòa, Long Khánh, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và Nhơn Trạch phải thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Trường hợp xét nghiệm không có ca bệnh, tùy vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, trước khi sản xuất yêu cầu doanh nghiệp áp dụng một trong 3 phương án gồm phương án 1 “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); phương án 2 “1 cung đường, 2 địa điểm” (1 cung đường là vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, 2 địa điểm là nơi ở của người lao động và nơi sản xuất của doanh nghiệp); phương án thứ 3 là linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký phương án “3 tại chỗ” để vừa phòng dịch, vừa bảo đảm sản xuất.

Kiểm tra công tác phòng dịch tại Công ty TNHH Cơ khí Anh Nghĩa ANCL (huyện Trảng Bom)

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai Phạm Văn cường cho biết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã triển khai các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa ổn định sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục bố trí cho người lao động ở lại công ty làm việc. Việc bố trí tạm trú cho người lao động nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, hạn chế thấp nhất số người lây nhiễm và có phương án thực hiện ứng phó khẩn cấp, tránh lây lan ra cộng đồng cũng như từ cộng đồng vào doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 21.7, đã có 612 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án bố trí nơi tạm lưu trú cho 84 ngàn lao động. Ðể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, khi tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý các khu công nghiệp Ðồng Nai đã cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục và yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng phương án và sẽ hậu kiểm.

Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp T.A Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cho hay, bắt đầu từ ngày 21.7, công ty tổ chức cho người lao động tạm lưu trú tại công ty. Tiến hành xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cho khoảng 25% người lao động trong công ty. Những công nhân đăng ký ở lại được trả lương 120%. Đối với những lao động đăng ký ở nhà được hưởng lương 70% như thỏa thuận. Công ty cũng lưu ý người lao động nghỉ ở nhà chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, hướng dẫn 5K vì an toàn, sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cũng để bảo vệ sức khỏe người lao động, tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu) đã trang bị máy đo thân nhiệt tự động để hạn chế sự tiếp xúc giữa người lao động với tổ bảo vệ, bố trí thêm các máy sát khuẩn tự động. Đồng thời, thiết lập phòng cách ly ngay tại cổng bảo vệ để có thể cách ly kịp thời nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu ho, sốt. Công ty cũng nhanh chóng thành lập 34 tổ an toàn Covid để tuyên truyền, vận động người lao động không chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, có phương án đảm bảo việc làm, cuộc sống và chăm lo cho người lao động khi công ty có trường hợp bị nhiễm Covid-19.

Bảo đảm an sinh, an toàn cho người lao động

Để cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt và bảo vệ sức khỏe người lao động, nhiều doanh nghiệp có đông công nhân đã tạm ngừng hoạt động và cho người lao động tạm nghỉ việc. Nhằm bảo đảm đời sống người lao động, các doanh nghiệp đã có phương án trả mức lương tối thiểu vùng 170.000 đồng/người/ngày và thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động. Cụ thể, từ ngày 22.7, Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam đã tạm ngừng hoạt động đến ngày 2.8 để phòng dịch Covid-19. Đối với người lao động nghỉ việc sẽ được nhận lương bằng mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp sẽ được hưởng đầy đủ để bảo đảm đời sống.

Trước những khó khăn của người lao động, Liên đoàn lao động tỉnh đã gửi văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 68/QĐ-CP của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP. Biên Hòa) do không đáp ứng được điều kiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên đã tạm ngừng hoạt động đến ngày 1.8 để phòng dịch Covid-19. Để bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người lao động, sau khi thỏa thuận với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công ty đã quyết định chi trả lương trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh theo lương tối thiểu vùng. Sau thời gian tạm ngừng hoạt động, người lao động trở lại làm việc sẽ được công ty tổ chức xét nghiệm Covid-19 miễn phí.

Theo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý I/2022 nên việc làm lâu dài cho người lao động sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp linh động có kịch bản, phương án phòng dịch cao hơn để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nhiều chế độ để động viên người lao động ở lại công ty làm việc, hạn chế đi lại nhiều nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tháng 7 mới đây, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Mộng Thu đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch cũng như có phương án bố trí nơi lưu trú cho người lao động ở lại nhà máy làm việc.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sớm thành lập các ban, tổ phòng, chống Covid-19 tại doanh nghiệp nhằm theo dõi tình hình sức khỏe, khai báo y tế, nhắc nhở, tuyên truyền tình hình dịch bệnh người lao động hàng ngày để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định sản xuất. Quan tâm cải thiện các chế độ, chính sách để người lao động yên tâm làm việc, cùng doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.    

Nhật Phương