Bạn đọc viết:

Vừa thừa vừa thiếu

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 11:26 - Chia sẻ
Hiện có khoảng 118 chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc do nhiều bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong đó không hiếm chính sách chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt dù nhiều chính sách nhưng lại chưa đủ để giải đáp kịp thời những yêu cầu thực tiễn của đồng bào dân tộc, miền núi.

Kết quả khảo sát, đánh giá của Bộ Tư pháp về các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, nhiều chính sách chưa tính được nguồn lực thực hiện, khiến không hiếm chính sách... bị chết yểu. Đơn cử, các chính sách mới về giảm nghèo được xây dựng và ban hành nhưng chưa tính đến khả năng bảo đảm cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn kinh phí triển khai các chương trình thường xuyên xảy ra, chính sách đã ban hành nhưng không bố trí đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện.

Một số văn bản quy phạm pháp luật, hay văn bản dưới luật (nghị định, thông tư, nghị quyết, quyết định...) chưa quy định về cơ chế tài chính bảo đảm thực hiện. Do vậy, tuy chương trình, chính sách, đề án ban hành nhiều, được đánh giá là đã phủ kín các lĩnh vực, song kết quả thực hiện còn nhiều mặt hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực kinh phí.

 Không khó để có thể chỉ ra những lỗ hổng trên, chẳng hạn Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì có tình trạng một số tỉnh việc xây dựng, phê duyệt đề án còn chưa sát với thực tế dẫn đến khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập. Kinh phí Trung ương phân bổ cho các địa phương không bảo đảm theo nhu cầu đề án do tỉnh phê duyệt.

Hay như chế độ ưu đãi đối với học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú quy định tại Thông tư Liên tịch số 109/2009/TTLT ngày 29.5.2009 thì vẫn còn tình trạng trang cấp không đầy đủ, không đúng danh mục hiện vật, học phẩm, nội dung hỗ trợ cho học sinh. Thực tế kiểm tra cho thấy một số nội dung quy định của Thông tư số 109/2009 không còn phù hợp về số lượng và định mức như: trang cấp hiện vật, học phẩm, tiền hỗ trợ tàu xe, tiền Tết Nguyên đán và Tết Dân tộc, chi phí mua bảo hiểm y tế; quy định mức chi hoạt động văn thể, ngoại khóa cho học sinh tối đa bằng 5% quỹ học bổng nhưng thực tế các trường không được cấp đủ kinh phí theo định mức quy định…

Điều đáng quan tâm hơn, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu và miền núi, nhưng chính sách vẫn còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục; có nội dung manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo; nhất là trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng.

Chẳng hạn, trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả.  Đáng chú ý là có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện, như quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; có dự án chậm được bố trí vốn như Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26.9.2011, Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 9.8.2016, Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

Khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chú trọng việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi nhằm khắc phục các nguyên nhân gây cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cản trở hiệu lực và hiệu quả của pháp luật và thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi trong thực tiễn.

TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp gợi ý, để làm được điều này, các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi và thực thi chính sách cần thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi.

Đình Khoa