Vun đắp giá trị sống tốt đẹp cho thanh thiếu niên khiếm thị

- Thứ Ba, 23/11/2021, 19:55 - Chia sẻ
Do bị mất đi ánh sáng của đôi mắt, người khiếm thị nói chung, thanh thiếu niên khiếm thị nói riêng không thể đọc các loại sách báo thông thường mà chỉ có thể tiếp cận khi sách báo, tài liệu đã được chuyển sang định dạng dễ tiếp cận, như chữ braille (hệ thống chữ nổi) và băng cassette. Vì vậy, để người khiếm thị dễ dàng tiếp cận thông tin và sử dụng các phương tiện hiện đại khi đọc sách báo, tài liệu trong kỷ nguyên số, cần thiết phải có những chính sách thiết thực và sự quan tâm của các cấp, ngành trong xã hội.

Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh chia sẻ, bà luôn tâm niệm phải bằng mọi cách tuyên truyền rộng rãi vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc và học tập suốt đời cũng như tầm quan trọng của chữ braille, công nghệ thông tin trong cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên khiếm thị và cộng đồng xã hội. Bởi bà hiểu, công việc này góp phần cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, lan tỏa tình yêu sách, hình thành thói quen nghe, đọc sách, vun đắp giá trị sống tốt đẹp cho thanh thiếu niên khiếm thị.

Năm 2020, Hội Người mù Việt Nam và Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp tổ chức cuộc thi Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguồn: Vụ Thư viện

Thời gian qua, bà Việt Anh và Hội Người mù Việt Nam đã tích cực mở các lớp xóa mù chữ braille, phục hồi chức năng, phổ cập tin học, sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, tạo tiền đề cơ bản, giúp các em hòa nhập xã hội. Đến nay, đã có gần 5.000 hội viên trẻ và học sinh, sinh viên khiếm thị sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh trong công việc, học tập và đời sống. “Đây cũng chính là cơ sở để phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên khiếm thị”, bà Việt Anh nói.

Nhằm giúp người khiếm thị tiếp cận nhiều hơn nữa với văn hóa đọc, Hội Người mù Việt Nam đang từng bước số hóa quá trình sản xuất Tạp chí Đời mới, các nội san, bản tin, sách chữ braille, audio trong các cấp Hội. Một mặt Hội tiếp tục luân chuyển sách báo chữ braille, đĩa CD, thẻ nhớ đến hội viên; mặt khác, xây dựng cổng thông tin điện tử của Hội, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam trên điện thoại thông minh, trong đó có thư viện online và chia sẻ trên youtube để hội viên truy cập.

Bà Việt Anh dẫn chứng, nhiều đơn vị, đặc biệt là các tỉnh, thành Hội có Trung tâm giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề đã xây dựng thư viện, lắp đặt phòng máy vi tính. Đây cũng chính là nơi các em truy cập internet, đọc sách báo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và có những giờ giải trí vui chơi bổ ích. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn cố gắng huy động nguồn lực để trao tặng hàng ngàn chiếc điện thoại thông minh, máy vi tính, máy nghe có gắn thẻ nhớ với các cuốn sách hay ở định dạng audio… cho hội viên, trong đó, ưu tiên đối tượng thanh thiếu niên khiếm thị, giúp các em có phương tiện để học tập và nghe, đọc sách báo, tài liệu…

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song theo bà Đinh Việt Anh, việc tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên khiếm thị còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.

Đó là, nhận thức về vai trò của chữ braille, công nghệ thông tin cũng như tầm quan trọng của văn hóa đọc; khả năng của người khiếm thị còn hạn chế trong một số gia đình thanh thiếu niên khiếm thị và cộng đồng. Bản thân một bộ phận các em vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vấn đề này. Một số em còn mang nặng tâm lý tự ti, mặc cảm, thụ động, chưa thật sự tích cực hình thành thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức. Khi công nghệ thông tin phát triển, một số em có xu hướng không muốn đọc sách báo chữ braille, trong khi đây là loại chữ vẫn hết sức cần thiết trong cuộc sống, công việc và học tập của người khiếm thị.

Ảnh học sinh khiếm thị thích thú khám phá không gian công nghệ 

Cùng với những vấn đề nói trên, người khiếm thị còn gặp khó khăn do nguồn kinh phí để mở các lớp dạy chữ và tin học cùng trang thiết bị máy móc cần thiết chưa đáp ứng được nhu cầu; số sách báo được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên khiếm thị còn ít; bản thân nhiều thư viện còn thiếu trang thiết bị, sách báo, tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận cho người khiếm thị, thiếu phòng đọc, dự án Xe thư viện lưu động chưa quan tâm đến đối tượng này.

Về mặt pháp lý, mặc dù quyền được tiếp cận thông tin của người khuyết tật đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; song, Việt Nam chưa gia nhập Hiệp ước Marrakesh về việc tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố cũng như chưa ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (bổ sung, sửa đổi).

Bà Đinh Việt Anh kiến nghị, thời gian tới, để khắc phục những khó khăn trên, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (bổ sung, sửa đổi) phù hợp với nội dung của Hiệp ước. “Đây sẽ là điều kiện mở ra môi trường pháp lý đầy đủ cho việc tạo các bản sao với định dạng dễ tiếp cận, đồng thời giúp người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in có cơ hội chia sẻ và tiếp nhận thêm nguồn thông tin, tài liệu từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế".

Hơn nữa, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành thư viện và các cấp Hội Người mù trong việc khảo sát, nắm bắt thực trạng và nhu cầu đọc sách báo, tài liệu cho người khiếm thị, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên; huy động các nguồn lực trang bị máy móc, thiết bị công nghệ; lựa chọn nội dung, thể loại và chuyển đổi sách báo, tài liệu sang định dạng dễ tiếp cận; hỗ trợ các phương tiện nghe, đọc phù hợp… Có như vậy, các cấp Hội Người mù sẽ từng bước được hỗ trợ, được đọc sách báo, tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại trong kỷ nguyên số, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vươn lên hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Hồng Hà