Vững chân trong chuỗi giá trị toàn cầu

- Thứ Tư, 31/10/2018, 09:37 - Chia sẻ
Định hướng của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam là trong 10 năm tới phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2018 đạt 9 tỷ USD, đến năm 2025 phấn đấu đạt 18 - 20 tỷ USD.

“Thời cơ vàng” cho ngành gỗ Việt Nam

Đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với Liên minh châu Âu (EU). Bằng cách này, Việt Nam đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối tác quốc tế rằng Việt Nam cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc này cũng cho thấy rằng phát triển kinh tế và sự bền vững của môi trường có thể đi đôi với nhau. Với một Hiệp định VPA được thực hiện đầy đủ thì thị trường EU là mục tiêu để Việt Nam chinh phục.
Giải quyết vấn đề khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp là chìa khóa bảo đảm rằng ngành chế biến gỗ có thể tiếp tục phát triển bền vững. Việc này được thực hiện thông qua quản lý bền vững các khu rừng mà có thể bảo đảm nguồn cung trong dài hạn và giải quyết được mối quan ngại của người tiêu dùng về tác động tiêu cực của thương mại gỗ thiếu trách nhiệm.

Từ năm 2013, EU đã thực hiện Quy chế gỗ của EU cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU và đưa ra các yêu cầu bắt buộc về trách nhiệm giải trình đối với các doanh nghiệp của EU. Nói cách khác, tất cả các doanh nghiệp của EU có trách nhiệm bảo đảm gỗ trên thị trường EU, cả gỗ nhập khẩu và gỗ nội địa, có nguồn gốc hợp pháp. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực kinh tế tích cực cho các quốc gia và và doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm và cam kết hoạt động hợp pháp và bền vững. EU và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau chống khai thác gỗ bất hợp pháp từ đầu những năm 2000 thông qua các dự án tài trợ và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam từ năm 2011 và hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

 Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp: Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU gồm 27 Điều và 9 Phụ lục kỹ thuật là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là cú hích tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế - xã hội và môi trường. Trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu. Từ đó, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang các các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các thị trường khác góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12 - 13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.

Chủ động nguồn nguyên liệu hợp pháp

Để có thể phát triển bền vững, giữ vững lòng tin người tiêu dùng, chính doanh nghiệp (DN) trong ngành phải biết chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu hợp pháp để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Yêu cầu về tiêu chuẩn đồ gỗ của người tiêu dùng thế giới ngày càng khắt khe. Bởi đây là giải pháp để chính người sản xuất và người tiêu dùng đồ gỗ thể hiện ý thức bảo vệ môi trường. Do đó, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến cũng đòi hỏi cấp chứng chỉ rừng trồng, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch và chất lượng bảo đảm.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, muốn ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vươn xa hơn nữa, chính nội tại toàn ngành phải chuẩn bị tiềm lực về mọi mặt để chạy đua với tiêu dùng thế giới. Song song với việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, các hoạt động liên kết cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Bao gồm liên kết DN, người trồng rừng trong nước và mối liên kết đa phương thương mại giữa các quốc gia với nhau, đặc biệt là liên kết với các thị trường khó tính.

Một trong những điểm mới cần phải khẳng định chính là mô hình liên kết hợp tác giữa DN chế biến với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ. Và mô hình liên kết của Công ty Scansia Pacific là một trong những ví dụ tiêu biểu. Ngoài Scansia Pacific, một số DN chế biến khác như Woodlands hay gỗ Nam Định cũng phát triển theo chiều hướng này. Cùng với sự linh hoạt của DN, ngành gỗ may mắn được hưởng Chương trình 327-CT của Chính phủ về phủ xanh đồi trọc trong đó có gỗ cây keo, là loại gỗ dùng để chế biến nội thất xuất khẩu, đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng. Cùng với đó là cây cao su, sau thời gian khai thác mủ, cao su còn được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất.

Chính phủ và DN đều đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng có một thực tế vẫn cần được chỉ ra là chất lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Nên dù số lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn, nhưng số lượng dùng chế biến còn hạn chế. Lẽ đương nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu một khối lượng nguyên liệu nhất định. Song các quốc gia bán nguyên liệu cho Việt Nam cũng đang có chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Thách thức này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có chính sách hợp lý hơn để ngành gỗ Việt Nam có thể vững chân trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Ngọc