Ngành nông nghiệp năm 2021

Vững vàng vai trò trụ đỡ nền kinh tế

- Thứ Ba, 28/12/2021, 16:47 - Chia sẻ
Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu song ngành nông nghiệp đều đạt hầu hết mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, như tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 2,85 - 2,9% (Chính phủ giao 2,78%); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với 48,6 tỷ USD..., qua đó càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Xuất khẩu đạt kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó dịch Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã nỗ lực vươn lên, với hầu hết chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 2,85 - 2,9% (Chính phủ giao 2,78%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 48,6 tỷ USD (Chính phủ giao 42 tỷ USD). Cả nước có trên 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu là 62%) và 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 193 đơn vị)...

Năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục với trên 48 tỷ USD

Nguồn: ITN 

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; qua đó kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng.

Song song với đó, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ...

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân khá, đạt 86,7%, hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Công tác phòng chống thiên tai tiếp tục được chủ động triển khai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…

Chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Để có được kết quả đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt nguồn từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành; sự tích cực tham gia hợp tác, kiên kết, đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX đã thực sự là nòng cốt thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là nỗ lực vượt khó, đương đầu với thử thách vươn lên của bà con nông dân. “Tất cả những sự quan tâm, cố gắng, nỗ lực đó đã phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội lực của toàn ngành và thực hiện “mục tiêu kép”, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp, khơi thông các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh

Nguồn: ITN 

Mặt khác, toàn ngành đã từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ đã lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: Phát triển thị trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp, khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội. Trong đó, đề xuất sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật gây cản trở kinh doanh, thu hút đầu tư.

Chỉ tính riêng năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành rà soát 443 văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản; trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh được chủ động chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả; thường xuyên quan tâm đời sống người dân, quán triệt tinh thần và thực hiện phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ đề ra từ đầu năm để “biến nguy thành cơ, đạt được mục tiêu kép”.

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã vượt qua sóng gió, nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Những kết quả đạt được đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19; là tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây.

Minh Châu