Tản mạn

Vườn thu

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:24 - Chia sẻ
Trò chuyện với cây quýt trên ban công hay hong quần áo trong vườn, nhìn chúng bay phấp phới trên dây phơi, tỏa ra mùi nắng mới dịu dàng… đã không còn là những phân cảnh trong phim Kore-eda nữa. Cùng với dịch bệnh, những điều nhỏ bé cũng có thể trở thành niềm vui.

1. Tôi vừa định gỡ tai nghe xuống thì bài ca của Nhậm Nhiên vang lên, “niềm nhớ thương nơi vĩ độ Bắc bị cơn gió mùa thổi đi xa, cuốn theo nỗi vấn vương còn đọng bên gò má”. Tôi dừng lại trên con dốc màu xanh trước khuôn viên bệnh viện giữa những cây ngô đồng, cây phong, cây đoạn vì mùa thu sẽ tới mà đổi sắc màu. Cây bạch quả lá nhạt đi trông thấy, xòe ra như những chiếc quạt, gió thổi giọt sương sớm rung rinh. Cây hoàng liên ô rô trái màu xanh lục và tím nhạt, kết lại thành những chuỗi ngọc, đẹp như hy vọng. Cây này trong đông y còn được gọi là thập đại công lao, tác dụng thanh phế, bổ trung, ích khí, sinh tân. Như bầu trời lúc ấy, trong trẻo và lạnh lẽo, ngay trước cơn mưa.     

Dưới con dốc, một đôi tình nhân nắm tay nhau, cô gái đang hóa/xạ trị, trên đầu trùm một chiếc khăn lụa với vô vàn những ô vuông nhỏ rực rỡ. Như những ô phong lữ nở bên đường. Ở đây, trong bệnh viện của trường đại học dành cho những người thiệt thòi, tôi vẫn luôn nhìn thấy sự tử tế. Và trong lòng tuy chật chội nỗi nhớ, lại tràn ngập dịu dàng.

Nguồn: ITN

2. Trò chuyện với cây quýt trên ban công hay hong quần áo trong vườn, nhìn chúng bay phấp phới trên dây phơi, tỏa ra mùi nắng mới dịu dàng… đã không còn là những phân cảnh trong phim Kore-eda nữa. Cùng với dịch bệnh, những điều nhỏ bé cũng có thể trở thành niềm vui. 

Tôi trồng cây ớt trên ban công, chỗ ấm áp, lại yên bình. Vào mùa xuân, cây nhỏ như bàn tay, lấm tấm những đốm hoa màu trắng nhỏ xíu như bông sấu trong cái chậu đất hơi quá cỡ. Thế mà chỉ sau một mùa hè đã trở thành một cái cây trưởng thành vui tính, dưới nắng trong mưa đều là một chùm ánh sáng rực rỡ.  

3. Trong nhà, sau hai năm dịch bệnh, màu sắc hay mùi vị của quê hương đã không còn rõ ràng nữa, chỉ còn lại mấy chiếc khẩu trang xanh đỏ và vài con sá sùng khô trong tủ lạnh mang từ quê nhà sang để nấu phở.  

Và cả chai rượu whisky bị bỏ quên dưới hầm. Lại sắp tới một kỳ thu hoạch mới, nhưng năm nay ở Thụy Sỹ mất mùa nho vì úng nước, mưa suốt từ tháng năm sang tháng bảy. Ngay cả gốc nho già trong vườn cũng héo úa, cành rời rạc, lá mong manh, trên cơ thể đầy vết sẹo thâm, trái chưa kịp lớn đã rụng xuống từng chùm u uất. Mưa bão, hạn hán, cháy rừng, thiên tai, bệnh tật, chiến tranh, lại thêm nhiều người tha hương, cũng có người không được về nhà...

 Dẫu vậy mặc lòng, thu vẫn đến.

Quỳnh Lê (từ Thuỵ Sỹ)