Vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng

- Thứ Năm, 31/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Ngày 30.10.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Qua một thời gian thực hiện Nghị định, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt một số kết quả. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xử lý vi phạm hành chính còn gặp những vướng mắc cần tháo gỡ.

      Vi phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng phần lớn là người dân bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc diện thụ hưởng các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Hầu hết các vi phạm chỉ là dùng phương tiện (xe máy) để vận chuyển lâm sản trái phép với số lượng không lớn nên chưa đến mức phải áp dụng biện pháp khởi tố hình sự. Nhưng, việc áp dụng hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung đối với các đối tượng này rất khó khăn. Có những vụ việc phức tạp, cần xác minh và ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp theo của đương sự, nhưng thực tế, nếu cơ quan chức năng áp dụng việc tạm giữ phương tiện của người vi phạm theo quy định tại Điều 32 của Nghị định thì không những khó khăn cho công tác bảo quản tài sản của đương sự mà còn khó cho gia đình đương sự, vì chiếc xe chính là phương tiện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình. Theo quy định, phương tiện sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép có thể là “các loại xe cơ giới đường bộ, xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ và xe súc vật kéo...”. Có trường hợp người vi phạm đã sử dụng trâu kéo vào việc vận chuyển lâm sản trái phép, nhưng việc áp dụng hình thức tạm giữ phương tiện cũng rất khó khăn. Cơ quan chức năng không thể bảo đảm cho việc chăm sóc, quản lý “phương tiện” này, nếu thuê người chăm sóc thì không có nguồn kinh phí để bù đắp. Khó khăn nữa là, khi đã áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đối tượng vi phạm không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt theo quy định. Thực tế, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn những người vi phạm không có khoản thu nhập thường xuyên hay tài sản nào có giá trị ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ cho cuộc sống của gia đình nên cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt mà người vi phạm không có điều kiện nộp phạt thì hình phạt cũng không có tác dụng răn đe, giáo dục.
      Việc xử lý tang vật vi phạm là lâm sản (gỗ các loại) trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng tại một số địa phương cũng có những vướng mắc. Hầu hết tang vật là lâm sản của các vụ vi phạm đều nằm trong rừng sâu, đi lại là rất khó khăn, có nhiều vụ vi phạm không thể đưa tang vật ra khỏi nơi vi phạm để thực hiện các bước theo quy định. Hiện nay, phương tiện chủ yếu sử dụng trong việc vận chuyển lâm sản đối với những nơi giao thông đi lại khó khăn là các loại xe tự chế, xe công nông, nhưng các loại xe này đã bị cấm sử dụng nên chưa có phương tiện thay thế. Xe chuyên dùng chỉ có một số địa phương được trang bị và cũng chỉ có thể sử dụng tại một số khu vực. Đối với những vụ vi phạm có khối lượng lâm sản nhiều, kích cỡ lớn, không thể vận chuyển ra khỏi hiện trường vi phạm thì có ý kiến xử lý theo cách tiêu hủy tang vật vi phạm hoặc chia nhỏ tang vật để vận chuyển được thuận tiện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì cả hai phương án xử lý đó đều không đúng. Cũng có trường hợp, tang vật của vụ vi phạm có giá trị không lớn nhưng không thể tiêu hủy, vì trái với quy định của pháp luật, nhưng nếu thuê các phương tiện, nhân công để đưa số tang vật vi phạm ra đến kho lưu giữ tang vật thì tốn quá nhiều kinh phí, nên quá trình xử lý tang vật rất khó khăn.
      Để khắc phục vướng mắc trong việc xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, cần quy định biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật nhưng không có điều kiện thi hành quyết định xử phạt. Cụ thể, quy định trong một thời gian nhất định (có thể từ 3 - 5 năm) sau khi thực hiện việc cưỡng chế nhưng đương sự không có điều kiện thi hành thì có thể đưa vụ việc đó vào diện không thể thi hành, nhưng vẫn áp dụng hình thức thông báo rộng rãi tại địa bàn khu dân cư để giáo dục, răn đe chung hoặc cũng có thể áp dụng các Luật tục tại địa phương để xử lý hành vi vi phạm. Nên quy định cụ thể việc xử lý tang vật vi phạm đối với những trường hợp khó khăn, tốn kém kinh phí trong khi vận chuyển tang vật vi phạm, cho phép các cơ quan chức năng thực hiện việc tiêu hủy tang vật vi phạm, nếu giá trị là không lớn hơn so với chi phí vận chuyển. Đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị lớn nhưng khó khăn trong khâu vận chuyển thì nên quy định cho phép các cơ quan chức năng chia nhỏ tang vật vi phạm để thuận tiện hơn trong việc vận chuyển, tập kết về kho lưu giữ, bàn giao, bán đấu giá... Nhà nước cũng cần trang bị cho mỗi địa phương ít nhất một xe chuyên dụng để chủ động trong việc xử lý, vận chuyển tang vật vi phạm.

Nguyễn Xuân Viễn