Vương quốc Anh trước nguy cơ Scexit

- Thứ Ba, 11/05/2021, 05:57 - Chia sẻ
Theo kết quả cuộc bầu cử địa phương vốn được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong lịch sử Scotland mới đây, đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã thắng lớn, chiếm tới 64/129 ghế của Nghị viện. Đáng nói là SNP đi theo đường lối ly khai, muốn đưa Scotland trở thành quốc gia độc lập, kết thúc liên minh 314 năm với Vương quốc Anh.

Scotland muốn "exit"

Theo AP, mặc dù chiến thắng của SNP không lớn như dự đoán trước cuộc bầu cử và đảng này cũng thiếu đúng 1 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Nghị viện Scotland, nhưng kết quả này cũng đủ để giúp SNP tiếp tục cầm quyền.

Ngay sau khi tuyên bố chiến thắng, Thủ hiến Scotland, đồng thời là lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon đã ngay lập tức đề cập đến yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về độc lập cho Scotland. “Trong cuộc bầu cử này, họ (cử tri) đã bỏ phiếu ủng hộ áp đảo cho SNP và chúng tôi đã cam kết trước hết là tiếp tục đưa Scotland vượt qua đại dịch Covid-19, và sau cuộc khủng hoảng sẽ trao cho người dân Scotland cơ hội lựa chọn tương lai của chính mình trong một cuộc trưng cầu dân ý”. Ngoài ra, nữ lãnh đạo Scotland đồng thời cảnh báo, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson không nên ngăn chặn ý nguyện này của người dân Scotland.

Bà Nicola Sturgeon nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ, nếu như đảng Bảo thủ có ý định ngăn cản thì họ không phải đang đối địch với đảng SNP mà là đối địch trực tiếp với ý nguyện của người dân Scotland. Điều đó sẽ chỉ càng chứng tỏ rằng Vương quốc Anh không phải một khối đối tác bình đẳng và Nghị viện Westminster sẽ không còn được coi là liên hiệp tự nguyện của các dân tộc. Việc cản trở sẽ càng trở thành lý lẽ mạnh mẽ để Scotland trở thành quốc gia độc lập”.

Là đảng cầm quyền tại Scotland trong 4 kỳ bầu cử liên tiếp, SNP luôn theo đuổi đường lối độc lập khỏi Vương quốc Anh và đã buộc chính quyền của cựu Thủ tướng David Cameron chấp nhận yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập năm 2014. Lúc đó, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu lựa chọn ở lại Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, đảng SNP cho rằng, sự kiện Brexit đã và đang thúc đẩy nhiều người dân Scotland mong muốn độc lập hơn, do trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, có đến 62% người dân Scotland phản đối ý tưởng rời EU, con số cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh. Theo SNP, việc Vương quốc Anh rời EU đã làm tổn hại đến lợi ích của Scotland và chỉ trở thành quốc gia độc lập, Scotland mới có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích của dân mình.

Thực tế, kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, tỷ lệ ủng hộ độc lập ở Scotland đã tăng khá mạnh, thậm chí lên 59% vào nửa sau năm 2020. Hôm 9.5, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cũng bác đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson về tổ chức một cuộc gặp nhằm giải quyết khủng hoảng liên minh. Bà đồng thời khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland chỉ là vấn đề thời gian.

Nên ưu tiên đối phó Covid-19

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Johnson cho rằng, Vương quốc Anh phát triển tốt nhất là khi tất cả các vùng lãnh thổ “chung lưng đấu cật”. Và thay vì tìm cách rời đi, các chính quyền Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland nên tập trung vào kế hoạch phục hồi sau đại dịch.

Hơn nữa, theo ông Johnson, cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 là duy nhất và mang tính quyết định, cần có giá trị ít nhất “trong một thế hệ”. Do vậy, người dân Scotland phải tôn trọng kết quả và sẽ không có thêm một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này trong tương lai gần. Trao đổi với tờ Daily Telegraph mới đây, ông phát biểu: “Tôi nghĩ rằng một cuộc trưng cầu dân ý trong bối cảnh hiện tại là vô trách nhiệm và liều lĩnh”. Nếu không có sự chấp thuận của chính quyền London, bà Sturgeon sẽ không thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu hợp pháp.

Theo giới quan sát, chắc chắn chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu từ phía SNP do đảng Bảo thủ củng cố được quyền lực sau khi giành nhiều chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử địa phương tại Anh vừa qua. Hơn nữa, bản thân ông cũng từng tuyên bố sẽ ngăn cản nỗ lực đòi độc lập của Scotland. Mặc dù có quan điểm cứng rắn, nhưng Thủ tướng Anh vẫn hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thỏa. “Tất cả chúng ta đều có quan điểm và ý tưởng của riêng mình, song không phải lúc nào cũng đồng thuận. Tuy nhiên, tôi tin rằng bằng cách học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể sẽ xây dựng mọi thứ tốt hơn, vì lợi ích của người dân”.

Ngược lại, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thời đại dịch, bản thân người dân Scotland cũng có tâm lý e ngại việc rời khỏi Vương quốc Anh sau hơn 3 thế kỷ gắn bó. Bộ trưởng Scotland của Chính phủ Vương quốc Anh Alister Jack cho rằng, trong thời buổi hiện tại, việc đối phó với cuộc khủng hoảng virus Corona và triển khai vaccine ngừa Covid-19 nên là ưu tiên. Ông nói: “Chúng ta không được phép để mình bị phân tâm, khôi phục từ đại dịch phải là ưu tiên duy nhất của Chính phủ Scotland”.

Linh Anh