Vướng vì mức phạt “khủng”

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 07:48 - Chia sẻ
Mặc dù thời gian có hiệu lực chưa lâu, Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực từ ngày 5.7.2019) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khi đi vào đời sống.

 Cơ hội đưa nghề cá tiến lên hiện đại

Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm Nghệ An có từ 40 - 50 tàu công suất lớn với trang thiết bị khai thác hiện đại được đầu tư, tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ giảm dần, từ 70 - 80 chiếc/năm. Đến nay, tổng số tàu khai thác của tỉnh gồm 3.481 chiếc, giảm gần 500 tàu so với năm 2015, trong đó 1.253 tàu đánh xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, trong đó 104 chiếc được hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67/CP của Chính phủ. Nhờ chuyển đổi nhanh đội tàu công suất lớn và giảm gần tàu nhỏ đánh ven bờ nên sản lượng khai thác của tỉnh cũng tăng nhanh. Năm 2019, sản lượng khai thác đạt 168.160 tấn; năm 2020 dự kiến đạt khoảng 175.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với thời điểm 2015.

Tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân huyện Quỳnh Lưu
Ảnh: Nguyễn Hải

Không chỉ tăng sản lượng, ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò còn chú trọng đầu tư chiều sâu các trang thiết bị trên tàu để đánh bắt các hải sản có giá trị hơn. Chẳng hạn, tại Quỳnh Lưu, ngư dân xã Sơn Hải tiếp tục duy trì nghề truyền thống là câu mực và đánh cá hố cho giá trị kinh tế cao; ngư dân Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy đầu tư dàn đèn cao áp, thiết bị dò ngang trên tàu đi vây để đánh bắt tầng cá nổi. Ngư dân Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Dỵ, thị xã Hoàng Mai lắp đặt dàn đèn cao áp và trang bị máy dò đứng để đánh cá đáy hiệu quả hơn. Mặt khác, ngư dân cũng đầu tư thiết bị cấp đông thủy hải sản trên tàu, tính toán mùa vụ để xuống Hoàng Sa hoặc ra vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ đánh bắt.

Tương tự, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có chuyển biến rõ nét. Vài năm lại đây, để an toàn và giảm rủi ro, cùng với đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, ngư dân nhiều vùng đã đầu tư nhà lưới để ương vèo tôm giống trước khi thả ra ao nuôi; cải tạo ao để nuôi gối vụ quanh năm. Tỷ lệ các hộ cải tạo lại ao đầm nuôi tôm theo mô hình VietGAP, Global GAP hoặc chế phẩm sinh học ngày càng tăng; bà con cũng hạn chế dùng hóa chất xử lý ao đầm và chú trọng dùng chế phẩm sinh học và men vi sinh để phòng chữa bệnh cho tôm, cá...

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An Nguyễn Chí Lương cho biết: Không chỉ tuân thủ các thủ tục cấp phép ra vào cảng đánh bắt, mà các tàu đều chấp hành nghiêm chỉnh quy định về sơn thân và mũi tàu theo quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Hiện, gần 90 trong tổng số gần 1.300 tàu có chiều dài 15m trở lên đã được lắp, đặt thiết bị GPS theo quy định.

Tàu cũ, mức phạt cao

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã bắt giữ và xử phạt gần 100 vụ với hàng trăm lượt tàu thuyền vi phạm, số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc và mức tiền phạt trên là quá nhỏ so với thực tế và quy định của Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giao hạn ngạch số lượng tàu đánh bắt cho mỗi địa phương nên cùng với khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển đổi phương tiện theo hướng đóng mới, Nghệ An đã ban hành quy định giám sát chặt chẽ hoạt động hoán cải tàu thuyền, theo đó, các tàu cũ dưới 10 năm sẽ bị hạn chế mua và đăng ký vào đội tàu đánh bắt của tỉnh.

Đơn cử như vụ 3 tàu cá ngoại tỉnh mới bị Đoàn liên ngành tỉnh bắt giữ, xử lý vào ngày 8 và 9.9, nếu áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP: tàu cá dưới 24m, với lỗi không ghi nhật ký khai thác, không mua bảo hiểm cho thuyền viên, viết số đăng ký tàu không đúng quy định thì mức phạt từ 300 - 500 triệu đồng/tàu Trong khi mức phạt “khá khủng”, nhưng phần lớn các tàu giã đánh giã cào ven bờ từ dưới 6m đến dưới 12m quá cũ nát, giá trị chỉ từ 40 - 60 triệu đồng. Tương tự, tàu từ 12 - 15m cũng chỉ khoảng 80 - 100 triệu đồng nhưng phần lớn quy định vi phạm đều bị phạt từ 300 - 800 triệu hoặc 1 tỷ đồng. Với mức phạt nêu trên, ngư dân sẵn sàng bỏ tàu. Hơn nữa, để xử lý, lai dắt tàu vi phạm không đơn giản, vì không ít trường hợp ngư dân chống trả. Chính vì thế, việc xử phạt là điều bất đắc dĩ, không cơ quan chức năng nào muốn, vì phải thuê người trông giữ tàu rất phức tạp.

Bên cạnh đó, dù quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS trên tàu cá trên 15m là bắt buộc nhưng đến nay vẫn còn 136 tàu chưa lắp đặt và nhiều tàu lắp đặt GPS nhưng khi ra biển thì mất tín hiệu nhưng chưa bị xử phạt. Đại diện Hội nghề cá Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: thiết bị GPS trên tàu do nhiều đơn vị cung cấp, mỗi nhà mạng 1 phần mềm khác nhau, phần lớn thiết bị được Tổng cục Thủy sản cấp quá cũ nên khi ra biển, khả năng kết nối tín hiệu về Trạm bờ của Chi cục Thủy sản liên tục trục trặc và mất tín hiệu.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Biên phòng tỉnh Nghệ An và Chi cục Thủy sản liên tục nhắc nhở ngư dân không tắt tín hiệu GPS khi ra biển. Tuy nhiên, chỉ các tàu được hỗ trợ dầu để vươn khơi bám biển theo Quyết định 48/TTg thì mới chấp hành, còn khá nhiều tàu khi ra khơi đều mất tín hiệu, gây khó khăn cho công tác quản lý và cứu hộ cứu nạn khi cần. Chia sẻ về bất cập này, lãnh đạo Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: Nghị định 42/2019/NĐ - CP dường như chỉ hướng tới đối tượng xử phạt là tàu xa bờ và nuôi thủy sản quy mô lớn trong khi đa phần tàu đánh cá của ngư dân quy mô nhỏ và lạc hậu. Vì thế, nếu xử lý nghiêm thì ngư dân không thể đi biển được; còn nếu cơ quan chức năng cứ vận dụng, xử phạt nương nhẹ cho ngư dân thì cũng vi phạm Nghị định vì không làm đúng và lâu dài sẽ dẫn đến nhờn luật, khó tuyên truyền.    

Nguyễn Hải