Vượt khó thích nghi dạy và học trực tuyến

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:48 - Chia sẻ
Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức học, cách học sinh tiếp nhận kiến thức cũng như thay đổi hoàn toàn phương thức dạy học của giáo viên. Ngành giáo dục hiện nay đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số nhằm truyền tải tri thức tới học sinh.

Khó khăn không riêng học sinh

Hà Nội, trung tâm văn hóa chính trị của cả nước đã đón một khai giảng đặc biệt, ngày 5.9.2021, lễ khai giảng trực tuyến khi cả Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội, từng bước ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Bước vào năm học mới, thay vì bục giảng, phấn trắng, bảng đen, học sinh Thủ đô tiếp tục học tập với máy tính, điện thoại thông minh với sự hỗ trợ của người thân tại nhà.

Hơn 30 năm trên bục giảng, hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh, cô giáo L.A ngoài 50 tuổi là giáo viên tại một trường chuyên trên địa bàn quận Cầu Giấy đã bắt đầu làm quen với các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác dạy học trực tuyến từ nhiều tháng trước. Với nhiều giáo viên trẻ, việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc dạy và học trực tuyến, soạn giáo án, chấm điểm, giao bài tập… khi được đào tạo, tập huấn sẽ dễ dàng tiếp cận hơn so với các thầy cô giáo đã lớn tuổi. Ngay cả thao tác trên điện thoại thông minh cũng đã là một trở ngại đối với cô L.A bởi tuổi tác, các thao tác không còn nhanh nhẹn, việc liên tục sử dụng các thiết bị điện tử để kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường.

Với học sinh lớp 1 năm học 2021 - 2022, việc học trực tuyến ngay từ đầu cũng đã là thách thức, khó khăn lớn. Nhiều gia đình, phụ huynh vẫn có thể ở nhà để hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng với một số gia đình khác vẫn phải ra ngoài đi làm, thì trách nhiệm “được” nhường cả lại cho ông, bà nội ngoại.

Chị Anh Mai (Trung Văn, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Vợ chồng tôi vẫn đi làm 50% theo lịch phân công của công ty nên không phải lúc nào cũng ở nhà khi con học bài, vì thế đôi lúc phải nhờ ông bà ngoại hỗ trợ, giúp cháu học tập. Buổi sáng học trực tuyến, còn chiều tối phải làm bài tập gửi trong ngày để các thầy cô kiểm tra, đánh giá”.

Ngoài học sinh, ngay cả những “phụ huynh bất đắc dĩ” phía trên cũng phải chủ động tìm cách sử dụng, ứng dụng CNTT để tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, bảo đảm hiệu quả, chất lượng trong quá tình học tập trực tuyến của nhà trường.

Nhiều phụ huynh phải đi làm vào thời điểm con học trực tuyến nên ông bà sẽ là người thay thế hỗ trợ các em

Ảnh: Việt Anh 

Học sinh là trung tâm, nhà trường, giáo viên đóng vai trò chủ đạo

Ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết “Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã rà soát, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các khu cách ly và các bệnh nhân điều trị Covid. Có phương án bổ sung bài học nếu các em không tham gia học trực tuyến theo đúng kế hoạch”. Từ ngày 6.9, các trường tiểu học, THSC tổ chức dạy học trực tuyến theo kế hoạch, riêng đối với học sinh lớp 6 được cô giáo tổ chức hoạt động làm quen với lớp học, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến. Đối với cấp học mầm non, trường duy trì kết nối với gia đình, trẻ em thông qua nhóm Zalo, Facebook, website, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ vui chơi tại nhà.

TS. Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt khẳng định, nhà trường và giáo viên chính là nền tảng cho việc học online hiệu quả, thiết thực, bắt đầu từ cách thức tổ chức, chọn chương trình đến tương tác với phụ huynh, học sinh… "Khi dạy học trực tuyến, học online, phương pháp giáo dục của giáo viên sẽ thay đổi rất nhiều so với dạy học trực tiếp và buộc người giáo viên phải tìm hiểu, sáng tạo cách dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình, nhằm đạt được hiệu quả giáo dục" - TS. Nguyễn Kim Dung cho biết.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, các nhà trường cần quan tâm đến các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các em có đủ điều kiện học tập, tránh tình trạng vì thiếu thiết bị mà không thể tham gia học trực tuyến. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với cấp tiểu học của Hà Nội đại diện các trường học cũng xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng và có thể sẽ được thực hiện lâu dài trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Anh Lương