WHO kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 05:34 - Chia sẻ
WHO đã kêu gọi toàn thế giới chia sẻ và phân phối công bằng nguồn vaccine ngừa Covid-19, đồng thời nhấn mạnh các nước phải đoàn kết, cùng nhau chiến thắng đại dịch bằng sự quyết tâm, cống hiến và kỷ luật.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc điều chế được vaccine ngừa Covid-19 là công cụ mạnh mẽ, thiết yếu và là cơ hội tốt để thế giới có thể sớm vượt qua được đại dịch, tuy nhiên thế giới đã không sử dụng chúng tốt. Thay vì các lô vaccine được triển khai, chia sẻ rộng rãi, thì vaccine lại bị tập trung vào các nước giàu có hơn và những người ít có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất vẫn không được bảo vệ.

Cho tới nay, hơn 3,5 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới và hơn ¼ số người đã nhận được tiêm ít nhất một liều vaccine. Mặc dù, nhìn chung đây là con số đáng tự hào, nhưng thực chất lại thể hiện sự bất công đáng kinh ngạc trong việc phân phối vaccine. Theo cơ quan của Liên Hợp Quốc, 75% vaccine đã được sử dụng ở 10 quốc gia trên toàn thế giới, tại các nước thu nhập thấp, chỉ 1% người dân đã nhận được ít nhất một liều thuốc so với hơn một nửa số người ở các nước thu nhập cao. Trong khi những quốc gia có thu nhập cao đang lên kế hoạch về việc tiêm vaccine mũi thứ ba , thì nhân viên y tế, người già và các nhóm dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiêm vaccine. Sự thất bại trong việc chia sẻ vaccine xét nghiệm và phương pháp điều trị trên toàn cầu đang đẩy đại dịch theo hai chiều là những người được tiêm chủng và những người không tiêm chủng.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng, nếu tình trạng này không được cải thiện, tình trạng dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài cùng với sự bất ổn về kinh tế và xã hội, vì toàn thế giới đều cùng phải chạy đua chống lại virus. Ông đã kêu gọi thực hiện một chiến dịch toàn cầu lớn, để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia vào tháng 9 tới, ít nhất 40% vào cuối 2021 và 70% vào cuối năm 2022. Nếu thế giới có thể đạt được những mục tiêu này, không những có thể chấm dứt đại dịch mà còn có thể khởi động lại nền kinh tế toàn cầu. 

Theo Tổng giám đốc WHO, đại dịch Covid-19 đã cho con người thấy điều quan trọng là khi sức khỏe gặp nguy hiểm thì mọi thứ đều gặp nguy hiểm, vì vậy đó là lý do tại sao ưu tiên hàng đầu của WHO là bao phủ sức khỏe toàn dân. Mục tiêu của WHO hướng con người tới một thế giới, trong đó mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế bất kể ở đâu và khi nào họ cần mà không gặp khó khăn về tài chính.

Như Ý