Diễn đàn Doanh nghiệp và những kỳ vọng về chương trình phát triển bền vững năm 2022

Xã hội đang trông đợi Chương trình phục hồi của Chính phủ

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 05:59 - Chia sẻ
Các đại biểu dự diễn đàn “Doanh nghiệp và những kỳ vọng về chương trình phát triển bền vững năm 2022” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 21.1, một lần nữa khẳng định quyết sách của Quốc hội nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, doanh nghiệp, người dân. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang trông đợi Chính phủ sớm ban hành Chương trình và triển khai kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế:
Công khai, minh bạch là cách tốt nhất để giám sát

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ, trên cơ sở đó, Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chi tiết để thực hiện. Cả xã hội đang rất trông chờ! Tôi kỳ vọng lớn hơn đó là Chương trình có thời hạn nhưng tinh thần của Chương trình sẽ tồn tại mãi mãi.

Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù Quốc hội cho phép thực hiện có nhiều mục tiêu, trong đó đẩy nhanh thử nghiệm chính sách, thể chế và nếu tốt thì có thể áp dụng dài hạn. Đó là thẩm quyền của Quốc hội. Trong triển khai thực hiện Chương trình, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ, nếu thủ tục quy định 10 ngày phải trả lời, tại sao không rút ngắn còn 1 - 2 ngày? Tại sao không tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quyết liệt hơn, không tạo ra những quy trình giải quyết nhanh, giải quyết trong phạm vi thẩm quyền?

Tôi tán thành phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình nhưng giám sát như thế nào? Theo tôi, công khai, minh bạch là cách tốt nhất để các bên giám sát. Những báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình có thể công khai cho người dân. Ví dụ, hàng tháng công khai bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng gói cấp bù lãi suất 2%? Với gói đầu tư công hơn 113.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, nên công khai các tiêu chí lựa chọn dự án vì khi quan sát tôi thấy địa phương nào cũng muốn có dự án của mình trong đó. Công khai ngay từ đầu sẽ hơn là để sau 2 năm mới công khai.

Ông VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Thực thi chính sách phải “đúng người, đúng thời điểm”

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho thấy sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ quyết liệt hơn, nhanh hơn, vừa thể hiện tính đồng hành, vừa thể hiện tính pháp lý chặt chẽ.

Chương trình phục hồi kinh tế chắc chắn tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và tiến trình phục hồi kinh tế của nước ta sau dịch Covid-19. Tất nhiên, nếu không có chương trình này thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể phục hồi sau đại dịch nhưng chỉ tăng trưởng khoảng 4,5 - 5%. Còn khi có các chương trình, gói hỗ trợ thì tăng trưởng có thể tăng thêm 1 - 1,5%/năm. Quan trọng hơn, một nền kinh tế đòi hỏi tăng trưởng nhanh như Việt Nam thì vấn đề quan trọng là việc làm và Chương trình này sẽ cải thiện điều đó.

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, những ý tưởng ban đầu đặt ra cho Chương trình là bên cạnh vượt khó, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế thế giới thì phải góp phần đặt ra những nền tảng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững trong những năm tiếp theo. Trong Chương trình này chúng ta thấy có những điểm về hạ tầng, lao động nhưng không chỉ là người lao động quay trở lại làm việc, tạo chỗ ở cho họ mà còn là tạo môi trường sống tốt hơn cho lao động, hay những nội dung khác gắn với đổi mới sáng tạo. Tác động quan trọng hơn nữa là những cơ chế đặc thù Quốc hội cho phép áp dụng. Dù Chương trình chỉ thực hiện trong thời hạn 2 năm nhưng tôi nghĩ đây sẽ là bài học kinh nghiệm rất tốt cho Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Chúng ta sẽ còn đối mặt với nhiều bất trắc, nhiều bất thường và cú sốc khác thì đây sẽ là bài học kinh nghiệm rất quý.

Hoạch định chính sách tốt đã khó nhưng thực thi còn khó hơn rất nhiều, phải “đúng người, đúng thời điểm”. Trước tiên, phải cụ thể hóa quy trình, thủ tục và một số cơ chế đặc thù Quốc hội đã thông qua. Chẳng hạn, đối tượng nào được nhận hỗ trợ lãi suất 2%? Thứ nữa, cần bảo đảm phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Việc xác định rõ vai trò của người đứng đầu cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần giám sát thường xuyên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực để thực thi Chương trình phải có các báo cáo thường xuyên về tác động của nó, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn. Cuối cùng, bên cạnh việc bảo đảm tính minh bạch, giải trình thì phải quan tâm tới công tác thông tin và truyền thông.

Tóm lại, nền tảng và cơ chế đã có, chúng ta phải hết sức lưu ý đến những vấn đề này để Chương trình thực sự đem lại hiệu quả tốt nhất.

Ông VŨ VĂN PHÚC, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Phải thay đổi tư duy “sợ việc, ngại làm, sợ trách nhiệm”

Qua hơn 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, khả năng ứng phó, sức chịu đựng của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã chạm đến giới hạn và gây ra cho đất nước nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Kỳ họp bất thường vừa qua thể hiện trách nhiệm rất cao của Quốc hội cũng như sự chủ động và kịp thời của Quốc hội trong việc đồng hành với Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước. Các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Nếu không có các bước “tạo đà” như thế này, những mục tiêu phát triển đất nước tại Đại hội XIII của Đảng đặt ra sẽ rất khó thực hiện.

Từ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch, biện pháp để triển khai cụ thể, khẩn trương, quyết liệt. Bởi lẽ, hai năm qua, doanh nghiệp và người dân bị giảm khả năng chống chịu trước những tình huống khẩn cấp. Do vậy, phải gia tăng khả năng phục hồi và hấp thụ gói hỗ trợ rất lớn này cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phải thay đổi tư duy “sợ việc, ngại làm, sợ trách nhiệm” của một số cán bộ. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch mọi khâu trong xây dựng và thực thi Chương trình để người dân biết, đóng góp ý kiến và giám sát.

Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Không vì rủi ro mà chúng ta không dám làm

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng phấn khởi và rất kỳ vọng vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Trong quá trình xây dựng chính sách, Quốc hội và Chính phủ và các chuyên gia tham gia rất tích cực mới ra được con số 350 nghìn tỷ đồng và đã tính toán tác động khi đưa ra gói hỗ trợ. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến rủi ro của gói hỗ trợ nhưng không vì rủi ro mà chúng ta không dám làm.

Doanh nghiệp hiện nay vô cùng thiếu vốn, ngay cả khi chưa có Covid-19 đã thiếu hụt rồi. Vì vậy, Quốc hội quyết định hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 nghìn tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi… là rất hợp lý.

Nghị quyết của Quốc hội cũng dành 113 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng và yêu cầu Chính phủ bảo đảm nguồn vốn để triển khai, hoàn thành Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án cao tốc không chỉ là câu chuyện hạ tầng, giao thông mà sâu xa là giải quyết rất nhiều việc làm và đây chính là trụ cột để thực hiện an sinh xã hội.

Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết rất cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Thực tế cho thấy, bộ trưởng nào quyết liệt thì bộ đó hoạt động rất hiệu quả. Do vậy, Thủ tướng nên giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành với kết quả cụ thể, trong thời gian cụ thể.

Đặc biệt, để bảo đảm hiệu quả của Chương trình, rất cần sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ, Quốc hội. Hoạt động kiểm tra, giám sát phải song hành với từng giai đoạn, từng thời điểm để sai đâu sửa ngay ở đó chứ không nên giám sát sau khi công việc đã hoàn thành. 

PV